Nghiên cứu vai trò truyền bệnh của các véc tơ sốt rét khu vực Nhà Rẫy và thử nghiệm biện pháp phòng chống véc tơ tại một số vùng sốt rét lưu hành ở 02 tỉnh Khánh Hòa và Gia Lai
Cập nhật vào: Thứ hai - 08/03/2021 22:39
Cỡ chữ
Trong những năm qua, nỗ lực phòng chống sốt rét (PCSR) đã làm giảm thấp tỷ lệ mắc, tử vong do sốt rét trong cả nước; tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 15 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành (SRLH). Bệnh sốt rét hiện nay lây truyền chủ yếu ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên (MT-TN) và Đông Nam Bộ. Một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất là chưa có biện pháp PCSR phù hợp, khả năng cắt đứt lan truyền sốt rét còn nhiều khó khăn tại các khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa, đi rừng, ngủ rẫy…
Khu vực MT-TN có tình hình sốt rét phức tạp nhất ở Việt Nam: hàng năm số bệnh nhân sốt rét (BNSR) chiếm gần 50%; ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) chiếm 75%; sốt rét ác tính và tử vong sốt rét chiếm trên 80% so với cả nước. Bên cạnh đó, nhiều đồng bào dân tộc với hoạt động canh tác nương rẫy, đã hình thành nên các khu nhà rẫy nằm ở ven rừng và ngủ tại đó trong suốt quá trình cánh tác hoặc vào mùa thu hoạch. Một số cộng đồng ngủ rẫy có tỷ lệ KSTSR rất cao: tại xã Khánh Thượng, Khánh Hoà là 8,16%; tại xã Sơn Thái, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa là 29,7%; tại xã Ea Sô, huyện Eakar, Đắc Lắc là 8,33%; tại xã Ngọc Lây, Kon Tum là 18,24%; tại xã IaO, Gia Lai là 7,08%.
Đặc thù của khu vực nhà rẫy thường có mật độ véc tơ cao; nằm rải rác trên núi cao, vách không kín nên việc phun tẩm hóa chất rất khó khăn; người dân chưa có ý thức tự PCSR, họ không mang màn theo khi ngủ rẫy. Bên cạnh đó diện tích nhà rẫy nhỏ, bên trong nhà rẫy còn có bếp nấu ăn, thường đốt lửa ban đêm nên không đủ không gian để treo màn. Các biện pháp phòng chống véc tơ sốt rét đang được áp dụng hiện nay như tẩm màn, phun tồn lưu tường vách với hóa chất diệt muỗi chỉ có hiệu quả đáng kể ở khu vực dân cư cố định (thôn, bản, làng), nhưng không bảo vệ được cho những người ngủ rẫy.
Vì vậy, việc nghiên cứu véc tơ sốt rét, vai trò truyền bệnh của các véc tơ sốt rét ở khu vực nhà rẫy và đánh giá hiệu quả của các biện pháp PCSR phù hợp với cấu trúc nhà rẫy, kết hợp truyền thông giáo dục để người dân chấp nhận và áp dụng biện pháp PCSR khi đi ngủ rẫy là cần thiết hiện nay. Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Sốt rét -KST-CT Quy Nhơn cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Xuân Quang thực hiện nghiên cứu với mục tiêu Xác định thành phần loài, một số đặc điểm sinh lý, sinh thái và vai trò truyền bệnh của véc tơ sốt rét tại khu vực nhà rẫy tại một số vùng sốt rét lưu hành ở Khánh Hòa và Gia Lai giai đoạn 2016-2017 và Đánh giá hiệu quả biện pháp phòng chống véc tơ sốt rét cho những người ngủ rẫy ở những vùng sốt rét lưu hành.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Thành phần loài, một số tập tính sinh thái và vai trò truyền bệnh của véc tơ sốt rét tại khu vực nhà rẫy ở Khánh Hòa và Gia Lai
- Thành phần loài và mật độ Anopheles tại các điểm nghiên cứu
+ Tại nhà rẫy huyện Khánh Vĩnh có 11 loài Anopheles, gồm: véc tơ chính An. dirus chiếm tỷ lệ rất cao (53,9%) và 2 véc tơ phụ An. aconitus và An. maculatus tỷ lệ thấp. Ở Krông Pa, có 12 loài Anopheles; gồm: An. dirus tỷ lệ rất cao (44,4%) và An. minimus tỷ lệ thấp (2,9%); 3 véc tơ phụ là: An. aconitus 11,9%, An. jeyporiensis 1,2% và An. maculatus 24,5%.
+ Ở Khánh Vĩnh và Krông Pa, An. dirus có mật độ đốt người ngoài nhà cao hơn nhiều trong nhà, ngược lại mật độ An. dirus vào bẫy đèn trong nhà lại cao hơn ngoài nhà; An. dirus trú đậu rình mồi cả vách trong và ngoài nhà rẫy ban đêm. Mật độ An. dirus năm 2017 giảm thấp hơn so với 2016.
- Tập tính của véc tơ sốt rét tại khu vực nhà rẫy ở Khánh Hòa và Gia Lai
+ Ở Khánh Vĩnh, An. dirus đậu rình mồi ở cả vách trong và ngoài nhà rẫy, mật độ từ 0,5 - 5,0 c/n/đ. An. dirus đốt người cả trong và ngoài nhà rẫy với mật độ 2-10 c/n/đ, mật độ đốt người ngoài nhà luôn cao hơn trong nhà. An. dirus và An. maculatus đốt người từ 6-7 giờ chiều tối, riêng An. dirus đạt đỉnh cao từ 9-11 giờ đêm, rồi giảm dần về sang.
+ Ở Krông Pa, An. dirus đậu rình đốt người cả vách trong và ngoài nhà rẫy, mật độ từ 0,5 - 11 c/n/đ. An. dirus đốt người cả trong và ngoài nhà rẫy với mật độ: 1,5-19 c/n/đ, mật độ đốt người ngoài nhà luôn cao hơn ở trong nhà rẫy. An. dirus, An. minimus đốt người từ 6-7 giờ, đạt đỉnh cao lúc 9-10 giờ tối, sau đó giảm nhanh từ 0 giờ về sang.
- Vai trò truyền bệnh của các véc tơ sốt rét tại khu vực nhà rẫy
+ Ở Khánh Vĩnh, các véc tơ sốt rét có tỷ lệ nhiễm KSTSR chung là 0,98%, An. dirus nhiễm P. falciparum 0,51% và nhiễm P. vivax từ 1,04 - 1,54%. Ở Krông Pa, các véc tơ nhiễm KSTSR chung là 0,89%, An. minimus nhiễm P. falciparum với tỷ lệ 11,3%; An. dirus nhiễm P. vivax 0,8%.
+ Tại Khánh Vĩnh chỉ số lan truyền của An. dirus (H) từ 4,7 - 6,9. Tại Krông Pa, chỉ số lan truyền của các véc tơ sốt rét (H) từ 4,8 - 6,66; An. dirus và An. minimus có vai trò truyền bệnh sốt rét chính.
Hiệu quả PCSR cho người dân ngủ rẫy của màn 1 đỉnh tồn lưu lâu
+ Màn một đỉnh tẩm hóa chất tồn lưu lâu Interceptor vẫn còn hiệu lực diệt tồn lưu tốt sau 15 tháng sử dụng tại thực địa (tỷ lệ muỗi chết 95,6%) và sau 15 lần giặt (tỷ lệ muỗi chết 100%).
+ Màn 1 đỉnh tẩm hóa chất tồn lưu lâu đã làm giảm mật độ An. dirus vào trong nhà rẫy đốt người. Mật độ An. dirus vào nhà đốt người và vào bẫy đèn trong nhà ở điểm can thiệp (2,1 ± 1,3 c/n/đ và 1,6 ± 1,5 c/đ/đ) đều thấp hơn ở điểm đối chứng (3,1 ± 1,7 c/n/đ và 3,4 ± 3,0 c/đ/đ).
+ Các biện pháp sử dụng màn 1 đỉnh tẩm hóa chất tồn lưu lâu kết hợp truyền thông PCSR đã làm giảm tỷ lệ BNSR ở những người ngủ rẫy tại các nhóm can thiệp trong cả 3 thời điểm: tháng 5 có HQCT 27%; tháng 5 HQCT là 51,9% và tháng 9 HQCT đạt 45,5%.
+ Màn 1 đỉnh được người ngủ rẫy sử dụng tỷ lệ cao 87,7% và được đại đa số cộng đồng tham gia nghiên cứu chấp nhận, số người thích ngủ màn 1 đỉnh chiếm 89,6%.
+ Chỉ có biểu hiện hai triệu chứng như mẫn ngứa (3,77%) và kích thích mắt (6,13%) ở một người, còn các triệu chứng khác (đau đầu, hắt hơi, chóng mặt) thì chiếm tỷ lệ nhỏ không đáng kể.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15362/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)