Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ ba - 23/06/2020 01:43
Cỡ chữ
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile ngày 08/03/2018. Do đó, hàng hóa của các nước khác cũng có nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp logistics hổ trợ hoạt động xuất khẩu ở các địa phương. Bên cạnh những thuận lợi về cơ chế chính sách, sự nhất quán chủ trương phát triển kinh tế, doanh nghiệp logistics cần có sự quan tâm hơn nữa về quy hoạch và định hướng, tháo gỡ những khó khăn bằng các giải pháp cụ thể để phát triển. Những khó khăn mà doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt là trình độ công nghệ còn thấp, tốc độ đổi mới công nghệ chậm, khả năng cạnh tranh của dịch vụ thấp do tiềm lực tài chính nhỏ. Cần làm rõ thực trạng và nhận dạng những yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp logistics tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp này để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững là yêu cầu cấp thiết.
Vì thế, năm 2018, TS. Nguyễn Thị Tuyết Nga cùng các cộng sự tại Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả sau:
* ĐBSCL là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng trong tương lai của đất nước, từ đó mở ra cơ hội lớn cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics ĐBSCL hiện nay đang hoạt động rời rạc, nhận thức chưa đúng về logistics và mới chỉ đang tham gia một phần trong toàn bộ các hoạt động của dịch vụ logistics.
* Phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp ĐBSCL cần thực hiện các giải pháp cụ thể như: Đối với các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng - logistisc và tái cơ cấu doanh nghiệp. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng khâu quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành dịch vụ logistics; cần có chính sách khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ logistics khu vực ĐBSCL; tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề cũng cần phát huy vai trò đại diện các doanh nghiệp đối thoại và kiến nghị với Chính phủ về các chính sách trong ngành logistics và tạo mối gắn kết giữa hiệp hội và thành viên.
Nhằm đánh giá một cách khoa học và chính xác hơn những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp hoạt động logistics tại ĐBSCL, đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, đồng thời sử dụng phương pháp thống kê mô tả từ khảo sát bằng phương pháp chuyên gia, từ đó đánh giá mức độ của từng yếu tố. Trên cơ sở thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp logistics và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển doanh nghiệp logistics tại khu vực, đề tài đã trình bày hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm đóng góp một phần vào việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách hợp lý để nâng cao năng lực canh tranh của các doanh nghiệp logistics ĐBSCL trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao đời sống, phúc lợi cho người dân; phát triển kinh tế xã hội khu vực ổn định và bền vững.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15646) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)