Nghiên cứu và đánh giá lượng phát thải CO2 ở TP. Hồ Chí Minh, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp cacbon
Cập nhật vào: Thứ tư - 21/10/2020 23:12 Cỡ chữ
Việt Nam là nước đang phát triển với tốc độ phát triển công nghiệp, hiện đại hóa nhanh đặc biệt ở các thành phố lớn. Vấn đề môi trường cụ thể là lượng phát thải CO2 do các hoạt động sản xuất, công nghiệp, sinh hoạt và giao thông đi lại của con người đang dần biến các thành phố lớn trở thành thành phố công nghiệp với lượng phát thải Cacbon từ trung bình đến cao đang là một bài toán cần được xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc và hiệu quả. Là thành phố lớn thứ 2 của của Việt Nam (2095 km2), thành phố đông dân nhất Việt Nam với 10 triệu người, có tốc độ tăng trưởng 12%/năm đồng thời có đóng góp ngân sách nhà nước cao nhất (29% vào năm 2013) nhưng TP. Hồ Chí Minh đang quá tải về dân số, môi trường. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nghiên cứu về việc tính toán lượng phát thải CO2 tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng chủ yếu là hình thức kiểm kê khí nhà kính bằng việc dựa vào số liệu thống kê và hệ số phát thải để tính lượng CO2 phát thải từ các nguồn có lượng phát thải CO2 cao tập trung vào một số ngành như năng lượng, công nghiệp và sử dụng sản phẩm, nông nghiệp, lưu giữ thải bỏ chất thải. Các kết quả tính toán có ý nghĩa trong việc kiểm kê khí nhà kính, tuy nhiên sự phân bố lượng phát thải CO2 theo yếu tố không gian, địa lý của từng khu vực hay xếp loại mức độ phát thải theo các phân lớp địa lý dưới tác động của môi trường thì chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam tiến hành. Ngoài ra, việc kiểm kê và tính toán khí nhà kính CO2 chủ yếu tính từ các nguồn phát thải điển hình từ việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch nhưng chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu đến nguồn hấp thu CO2, một trong những yếu tố làm giảm đáng kể khí nhà kính mà các nước trên thế giới áp dụng. Việc trồng cây xanh tạo môi trường xanh, hấp thu lượng khí CO2 là một trong những giải pháp rất hiệu quả. Quan trọng hơn cả, từ việc tính toán lượng phát thải theo khu vực địa lý, không gian tạm gọi theo cơ chế “CO2 mapping” có ý nghĩa rất quan trọng vì ngoài việc kiểm kê được lượng khí nhà kính CO2 còn cho những nhà nghiên cứu chính sách có thể đề xuất được chiến lược kế hoạch cắt giảm hiệu quả khả thi cụ thể dựa trên các vị trí địa lý phát thải đặc biệt đối với các vị trí địa lý, khu vực quan trọng đến sự phát triển kinh tế của cả nước và có xu hướng phát triển rất nhanh như các thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Vì vậy, dựa trên những thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đề xuất thực hiện nghiên cứu: “Nghiên cứu và đánh giá lượng phát thải CO2 ở TP.HCM, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp cacbon” do Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Xuân Trường thực hiện với mong muốn tính toán đánh giá được lượng phát thải CO2 từ các nguồn phát thải và lượng hấp thu CO2 từ đó ứng dụng công nghệ GIS trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng phát thải và hấp thu khí CO2 từ các nguồn phát thải và hấp thu điển hình tại TP.HCM và đề xuất các giải pháp giảm phát thải CO2 để xây dựng mô hình thành phố phát thải thấp cacbon. Ngoài ra kết quả đạt được của đề tài sẽ đưa ra mô hình tính toán lượng phát thải CO2 chung cho TP. HCM, từ đó có thể mở rộng tính toán mô hình này cho một số khu vực tương tự ở các thành phố khác.
Đề tài “Nghiên cứu và đánh giá lượng phát thải CO2 ở TP.HCM, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp cacbon” đã được nghiên cứu thành công nhằm đưa ra đánh giá được lượng phát thải CO2 từ các nguồn phát thải và lượng hấp thu CO2 từ đó ứng dụng công nghệ GIS trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng phát thải và hấp thu khí CO2 từ các nguồn phát thải và hấp thu điển hình tại TP.HCM và đề xuất các giải pháp giảm phát thải CO2 để xây dựng mô hình thành phố phát thải thấp cacbon.
Đề tài đã tính toán được tổng lượng phát thải CO2 từ 3 nguồn và hấp thu từ 1 nguồn cây xanh cho 24 quận huyện ở TP.HCM. Kết quả tính toán đã xây dựng được 4 bản đồ hấp thu và phát thải khí CO2 và 1 bản đồ tổng phát thải và hấp thu CO2 cho cả TP. HCM. Kết quả bản đồ có thể chia thành 4 khu vực rõ rệt. Hai khu vực có lượng phát thải âm có màu từ đỏ sang hồng nhạt với lượng phát thải dao động trong khoảng 14 tấn CO2/năm đến 136 tấn CO2/năm và tập trung vào các khu vực Quận trung tâm TP. HCM và các quận có tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng mật độ cây xanh, thảm thực vật khá thấp nhưng các hoạt động giao thông, mật độ dân số rất cao, điều này dẫn đến lượng tổng phát thải CO2 khá cao. Kết quả này phù hợp với tình hình KTXH và các đặc điểm địa lý của các khu vực cũng như đặc điểm của nước đang phát triển như Việt Nam.
Hai khu vực còn lại có tổng lượng phát thải và hấp thu CO2 là dương là một kết quả khả quan nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào các huyện ngoại thành Củ chi, Cần giờ, Huyện Hóc môn, Huyện Bình Chánh, huyện Nhà bè. Trong đó hai huyện Củ Chi và Cần Giờ có lượng hấp thu CO2 cao nhất đạt đến 3 triệu tấn CO2/năm.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15813/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
phát triển, tốc độ, công nghiệp, hiện đại, đặc biệt, thành phố, vấn đề, môi trường, cụ thể, hoạt động, sản xuất, sinh hoạt, giao thông, trở thành, trung bình, xem xét, đánh giá, nghiêm túc, hiệu quả, ngân sách, nhà nước