Nghiên cứu ứng dụng viễn thám và GIS để xây dựng CSDL thổ nhưỡng, tài nguyên đất xây dựng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Cập nhật vào: Thứ ba - 27/08/2024 00:09 Cỡ chữ
Quá trình khai thác và sử dụng đất luôn gắn liền với quá trình phát triển của xã hội. Khi xã hội phát triển, dân số gia tăng thì nhu cầu sử dụng đất càng cao, trong khi đó đất đai lại có giới hạn nên ngày càng khan hiếm và trở nên quý giá hơn. Chính vì vậy, việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững luôn là nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ càng và hoạch định một cách khoa học hơn để sử dụng nguồn đất đai cho phù hợp đáp ứng nhu cầu chung của con người.
Đối với Việt Nam là một quốc gia đất chật người đông, dân số tăng nhanh, đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; được cảnh báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) thì việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên đất là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2006 đến 2011 dự án Xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế (GISHue) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng và tiếp tục đầu tư nâng cấp trong những năm qua nhằm mục tiêu thống nhất việc ứng dụng công nghệ GIS trong toàn tỉnh phục vụ chỉ đạo phát triển KT - XH của lãnh đạo tỉnh, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) GIS chuyên ngành của các ngành 2 và công bố công khai thông tin cho xã hội. Đến nay, Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử - trực thuộc Sở Thông tin và truyền thông, là đơn vị tiếp nhận và vận hành các sản phẩm của dự án GISHue, hệ thống đã được triển khai áp dụng rộng rãi tại UBND tỉnh, các sở ban ngành, các UBND cấp huyện và cho toàn người dân. Các lớp CSDL dùng chung của dự án bao gồm nền địa hình, điều kiện tự nhiên và tài nguyên MT, du lịch, địa chính... đã được tích hợp lên hệ thống để cung cấp cho các cơ quan hành chính nhà nước (qua mạng diện rộng - WAN) và người dân (thông qua MT internet).
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ viễn thám vào việc xây dựng CSDL thổ nhưỡng - tài nguyên đất xây dựng (ĐXD) là rất cần thiết cho việc quy hoạch phát triển NLN bền vững và tổ chức lãnh thổ đô thị - công nghiệp và được nghiên cứu thí điểm ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay, góp phần ổn định và phát triển KT - XH của tỉnh.
Xuất phát từ thực tiễn trên, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế thực hiện “Nghiên cứu ứng dụng viễn thám và GIS để xây dựng CSDL thổ nhưỡng, tài nguyên đất xây dựng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế” với mục tiêu xây dựng được luận cứ khoa học cho việc ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để xây dựng CSDL thổ nhưỡng và tài nguyên ĐXD phục vụ quy hoạch phát triển KT - XH bền vững, ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Tổng quan được các nghiên cứu ứng dụng viễn thám và GIS để xây dựng CSDL thổ nhưỡng, tài nguyên ĐXD phục vụ quy hoạch phát triển KT - XH bền vững trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện tại, đây là một trong những hướng nghiên cứu vẫn còn rất ít phổ biến ở Việt Nam, trên thế giới. Một số tác giả có đề cập đến nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng nhiệt đới.
2. Đề tài đã tiến hành nghiên cứu xây dựng phương pháp và quy trình ứng dụng viễn thám và GIS để xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, tài nguyên ĐXD phục vụ quy hoạch phát triển KT - XH bền vững (áp dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế)
3. Xây dựng được cơ sở khoa học về ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu, xây dựng CSDL thổ nhưỡng và tài nguyên ĐXD phục vụ quy hoạch phát triển KT - XH bền vững.
4. Đối với cơ sở dữ liệu thổ nhưỡng, đề tài đã tiến hành kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp viễn thám để cập nhật thông tin thuộc tính được 500 phẫu diện, nhập vào cơ sở dữ liệu GIS. Thành lập được bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1:50.000 và các bản đồ thành phần. Việc ứng dụng viễn thám và GIS để giải đoán một số thông tin về đặc điểm thổ nhưỡng, lớp phủ bề mặt đã đem lại hiệu quả cao, kết quả giải đoán có độ chính xác đáp ứng theo quy phạm cho việc thành lập bản đồ thổ nhưỡng ở tỷ lệ 1:50.000. Một số thông tin về đặc điểm thổ nhưỡng: lớp thảm phủ bề mặt, độ dốc, độ ẩm bề mặt đất, đá lộ đầu.
5. Đối với cơ sở dữ liệu tài nguyên ĐXD, đề tài đã tiến hành kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp viễn thám để cập nhật thông tin thuộc tính được 385 điểm mẫu về tài nguyên ĐXD, nhập vào cơ sở dữ liệu GIS. Thành lập được các bản đồ tài nguyên ĐXD cho các đô thị trọng điểm tỉnh Thừa Thiên Huế và bản đồ tài nguyên ĐXD (MĐNC nền) toàn tỉnh Thừa Thiên Huế tỷ lệ 1:50.000. Các điểm khảo sát, mô tả đất đá xây dựng được thể hiện trên bản đồ Bản đồ vị trí các điểm và các công trình khảo sát ĐXD, tỷ lệ 1:50.000. Tổng số điểm khảo sát vượt trội so với yêu cầu là 35 điểm (385/350) nhằm kết nối các khoảnh trọng điểm, phục vụ cho công tác xây dựng và kiểm tra bản đồ tài nguyên ĐXD. Kết quả khảo sát được thể hiện ở dạng bảng, trong đó số lượng lấy mẫu cơ lý đất là 150 mẫu, cơ lý đá là 27 mẫu.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20009/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)