Nghiên cứu ứng dụng nấm săn mồi Arthrobotrys sp., kết hợp với khuẩn ký sinh ấu trùng và nấm ký sinh trứng để tiêu diệt tuyến trùng phòng ngừa bệnh trên cây có múi
Cập nhật vào: Thứ năm - 26/12/2024 12:03 Cỡ chữ
Cây có múi là một trong những giống cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của nhiều địa phương ở Việt Nam. Từ nhiều năm qua, cây có múi đã trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực cũng như là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong nước. Do đó, diện tích trồng cây có múi được mở rộng rất mạnh trong thời gian gần đây. Cùng với sự tăng trưởng về diện tích canh tác, tình hình dịch bệnh trên cây có múi cũng có diễn biến phức tạp, trong đó bệnh vàng lá thối rễ đang phát triển ngày càng mạnh và lan rộng ở nhiều tỉnh thành gây thiệt hại nghiêm trọng cho phần lớn cây có múi làm giảm sức sống của cây, chất lượng của trái, cũng như gây thiệt hại lớn đến kinh tế của người nông dân.
Nguyên nhân của bệnh vàng lá thối rễ chủ yếu do tuyến trùng gây ra, trong đó tuyến trùng là tác nhân chính gây bệnh do chúng ký sinh trên rễ, làm ảnh hưởng đến khả năng hút nước và chất dinh dưỡng của cây, đồng thời làm tổn thương bộ rễ tạo điều kiện cho nấm bệnh như Fusarum, Phytopthora xâm nhập và phát triển gây bệnh cho cây. Bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng gây hại hiện nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu, nông dân vẫn chủ yếu sử dụng các thuốc hóa học để nhằm hạn chế sự phát triển của bệnh. Tuy nhiên, biện pháp trên đang ngày càng kém hiệu quả, bên cạnh đó, diễn biến bệnh dịch trên cây ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, môi trường đất, nước bị ảnh hưởng lớn bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học liều cao. Bên cạnh đó, tư duy của nông dân cũng đang dần chuộng các chế phẩm BVTV có nguồn gốc sinh học trong các quy trình chăm sóc cây trồng. Trước những nguyên nhân trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Thanh Bình tại Chi nhánh Viện Ứng dụng Công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện Ứng dụng công nghệ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nấm săn mồi Arthrobotrys sp., kết hợp với khuẩn ký sinh ấu trùng và nấm ký sinh trứng để tiêu diệt tuyến trùng phòng ngừa bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi” trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là nhằm phân lập và tìm ra một số chủng vi sinh có khả năng kiểm soát và tiêu diệt tuyến trùng có hiệu quả cao; và xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm từ các chủng vi sinh đã được tuyển chọn có hiệu quả kiểm soát tuyến trùng đạt từ 70%.
Đề tài đã đạt được một số kết quả sau:
Khảo sát tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy bệnh vàng lá thối rễ hiện diện tại tất cả các vườn cây có múi được khảo sát. Tỷ lệ thành phần tuyến trùng xuất hiện tại các vườn cây có múi trong đó loài T.semipenetrans chiếm tỷ lệ 70% loài tuyến trùng và xuất hiện ở 100% số vườn cây có múi được khảo sát. Tuyến trùng có khả năng nuôi in vitro trên môi trường agar có bổ sung streptomycin 0,1g/L và penicillin 0,1g/L.
Tuyến trùng hoàn tất vòng đời trong khoảng từ 4-6 tuần từ giai đoạn đẻ trứng cho đến khi trưởng thành.
Từ 30 mẫu đất được thu thập từ đất rừng tự nhiên tại An Giang đã phát hiện và phân lập được 1 mẫu nấm săn mồi, 26 chủng Bacillus, 17 chủng có đặc điểm hình thái của Trichoderma và 2 chủng có hình thái của Paecilomyces. Trong đó, Arthrobotrys ĐP7 có khả năng kiểm soát tốt tuyến trùng trưởng thành và đạt hiệu quả cao nhất với tỷ lệ tuyến trùng bị tiêu diệt đạt 72,82 % ở nghiệm thức sử dụng mật độ bào tử 2*107 CFU/ml, Bacillus BT1 có khả năng tiêu diệt ấu trùng T. semipenetrans đạt 96,36% sau 24 giờ thử nghiệm, và Paecilomyces NT1.1 có khả năng ký sinh và tiêu diệt trứng tuyến trùng đạt 90,67% sau 7 ngày thử nghiệm trên đĩa petri. Sau khi định danh bằng phương pháp sinh học phân tử lần lượt có tên khoa học là Arthrobotrys oligospora, Purpureocillium lilacinum và Bacillus thuringensis.
Đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm phòng trị tuyến trùng cây có múi bao gồm: Athrobotrys oligospora, Bacillus thuringensis và Purpureocillum lilacinum với tỷ lệ phối hợp tối ưu là 1:1:1. Chế phẩm có khả năng bảo quản 6 tháng với mật độ vi sinh ổn định.
Kết quả thử nghiệm hiệu quả của chế phẩm trong điều kiện ngoài đồng ruộng đối với 2 loại cây có múi là quýt hồng và cam cho thấy có khả năng kiểm soát tuyến trùng đạt từ 68-70% với chế độ bón 3 lần (mật độ 106 CFU/g), mỗi lần cách nhau 7 ngày.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20429//2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)