Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát hiện tượng nhiễm mặn đất khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ hai - 27/02/2023 01:47 Cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Dân số và kinh tế cùng ven biển ĐBSCL lại chiếm một vị trí trọng yếu cho quá trình phát triển của cả đồng bằng này. Do vậy, bất kỳ một tác động bất lợi nào làm mất ổn định cho vùng này, mà điển hình hơn cả là xâm nhập mặn ngày càng sâu, sẽ phải được xem xét và kiểm soát. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các cộng đồng dân cư ven biển thường là những hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, và đây chính là những cộng đồng nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Điều này đặt ra bài toán phức tạp cho các nhà quản lý, quy hoạch lãnh thổ, đồng thời đòi hỏi có những nghiên cứu chuyên sâu, tính toán xác định được diễn biến hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn. Từ việc hiểu rõ hiện trạng, diễn biến và xu thế của xâm nhập mặn, có thể xây dựng các phương án và giải pháp ứng phó kịp thời trong việc cải tạo đất, sử dụng đất hiệu quả, thay đổi sinh kế, giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn sự gia tăng diện tích đất bị nhiễm mặn trong tương lai.
Xuất phát từ lý do trên đây, ThS. Hoàng Minh Hải cùng các cộng sự tại Viện khoa học Đo đạc và bản đồ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát hiện tượng nhiễm mặn đất khu vực đồng bằng sông Cửu Long” từ năm 2017 đến năm 2020.
Đề tài được nghiên cứu nhằm đạt được hai mục tiêu sau đây: xác lập cơ sở khoa học và các phương pháp ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp; đề xuất quy trình giám sát đất nhiễm mặn trên cơ sở kết hợp tư liệu viễn thám với hệ thông tin địa lý.
Đề tài đã đưa ra phương pháp nghiên cứu xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp bằng tư liệu viễn thám kết hợp với dữ liệu đo đạc trực tiếp tại một số vị trí ở khu vực nghiên cứu cho phép đánh giá mức độ nhiễm mặn của đất sản xuất nông nghiệp ở một khu vực rộng lớn.
Đề tài đã đề xuất quy trình giám sát nhiễm mặn đất sản xuất nông nghiệp bằng tư liệu viễn thám có sử dụng các số liệu thực địa về phổ phản xạ của các đối tượng tự nhiên và kết quả phân tích mẫu đất trong phòng thí nghiệm.
Đề tài đã thực hiện phân tích các mẫu đất tại vị trí đo phổ phản xạ của đối tượng ở trong phòng thí nghiệm để xác định hàm lượng muối tại vị trí đó. Kết quả của quá trình này là độ mặn của bộ mẫu đất và bộ khóa giải đoán ảnh.
Đề tài đã thực hiện nghiên cứu để xây dựng bản đồ các chỉ số phục vụ công tác đánh giá xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp một cách gián tiếp và xây dựng bộ bản đồ hiện trạng xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp các thời kỳ năm 2016, 2018, 2020.
Đề tài đã xây dựng được cơ sở khoa học và giải pháp công nghệ cho công tác quản lý, dự báo và ứng phó với hiện tượng đất nhiễm mặn ở Việt Nam. Đề tài góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học viễn thám, hệ thông tin địa lý và công nghệ thông tin trong nghiên cứu ứng dụng quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18128/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)