Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ trên cam, quýt tại tỉnh Hòa Bình
Cập nhật vào: Thứ sáu - 02/06/2023 11:02 Cỡ chữ
Cam, quýt là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, là cây trồng chủ lực và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh Hòa Bình. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt năm 2019, tổng diện tích trồng cây ăn quả có múi (CAQCM) tại Hòa Bình vào khoảng 11.500 ha, trong đó cam 5.500 ha, quýt 502,9 ha, bưởi 5.200 ha, chanh 375,8 ha. Cao Phong là huyện có diện tích cam lớn nhất toàn tỉnh, thương hiệu “Cam Cao Phong” đã dần đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng phía Bắc.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng từ khâu sản xuất đến thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Các vùng sản xuất CAQCM đã dần dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng được thương hiệu riêng cho từng địa phương. Tuy nhiên, đi cùng với điều đó là sự phát sinh gây hại của nhiều loài sâu bệnh hại ngày càng tăng, các vùng trồng cam quýt truyền thống đang bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái. Hiện tượng vàng lá cam, quýt xuất hiện ở hầu hết các vùng sản xuất, thậm trí nhiều vùng trồng đã phải tiêu hủy và khó phục hồi trong thời gian 1-2 năm. Hiện tượng vàng lá cam, quýt xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nhóm sinh vật gây hại vùng rễ như bệnh vàng lá thối rễ, rệp sáp giả, tuyến trùng xuất hiện rất phổ biến ở hầu hết các vùng trồng CAQCM truyền thống như Cao Phong, Tân Lạc... cũng như các vùng mới chuyển đổi sang trồng CAQCM của tỉnh. Đây là các đối tượng gây hại ở các bộ phận gốc, rễ của của cây, rất khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn với với một số nguyên nhân do thiếu dinh dưỡng hoặc bệnh sinh lý...Biện pháp sử dụng thuốc BVTV hóa học vẫn được coi là hiệu quả nhất và đang được người dân áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, với những loài gây hại vùng rễ rất khó phòng trừ ngay cả bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Sử dụng quá mức thuốc BVTV hóa học không những không thể giải quyết được vấn đề như mong muốn mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng 2 trong đất dẫn đến nhiều hệ lụy lớn mà phải mất một thời gian dài để khắc phục, thậm trí không thể khắc phục được, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường đất và nước... Sử dụng các sản phẩm sinh học để phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng được xem là một trong những xu thế đang được nghiên cứu và ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới nhằm hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.
Mặc dù trong thời gian gần đây đã có nhiều loại chế phẩm sinh học được nghiên cứu và áp dụng để phòng chống sâu bệnh hại trên nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả cao, nhưng rất ít sản phẩm được khuyến cáo sử dụng trên CAQCM ở nước ta. Với mục tiêu có được sản phẩm sinh học có hiệu quả cao trong phòng trừ sâu bệnh hại vùng rễ cho các vùng trồng của tỉnh Hòa Bình, nhóm nghiên cứu Viện Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do TS. Lê Xuân Vị đứng đầu đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ trên cây cam, quýt tại tỉnh Hòa Bình” nhằm xây dựng được các biện pháp sinh học để phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ (vàng lá thối rễ, chảy gôm, rệp sáp giả) trên cam, quýt góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước và phát triển bền vững vùng cam, quýt tại Hòa Bình và một số tỉnh phía Bắc.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:
- Đã xác định được một số tác nhân chính gây hại vùng rễ cây cam, quýt như nấm F. solani, Pythium sp., Phytophthora spp., tuyến trùng T. semipenetrans, rệp sáp giả ca cao P. lilacinus. Nấm F. solani là tác nhân chính gây bệnh vàng lá thối rễ ở hầu hết các vùng trồng cam, quýt của tỉnh Hòa Bình. Sự gây hại của nấm Phytophthora spp., Pythium sp. và tuyến trùng sẽ tạo ra các vết thương giúp nấm F. solani xâm nhập vào rễ thuận lợi hơn do đó bệnh vàng lá thối rễ sẽ trở nên trầm trọng hơn. Rệp sáp chỉ xuất hiện cục bộ trên một số vườn cam quýt trồng trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước. Mật độ trung bình 18 - 28 cá thể/3 cm rễ. Khi mật độ rệp tăng cao, kết hợp với nấm cộng sinh P. spongiosus tạo hiện tượng mang sông quanh rễ với tỷ lệ hại từ 41-69%/20 cm rễ.
- Sử dụng 3-4 lần/năm, một số chế phẩm sinh học như Tricô - ĐHCT, Ketomium, SH-Lifu, PhytoM có hiệu lực đối với bệnh vàng lá thối rễ đạt lần lượt là 84,03%; 74,53%; 75,11% và 66,6%. Hiệu lực đối với nấm F. solani đạt lần lượt là 64,50; 61,76%; 71,38% và 67,20% ở thời điểm sau xử lý 9 tháng. Chế phẩm SH-Lifu có khả năng trừ tuyến trùng trong đất đạt 62,63% và 54,92% đối với tuyến trùng trong rễ ở thời điểm 40 ngày sau xử lý lần 2.
- Đã tạo được 1 chế phẩm sinh học mới với tên gọi là BIOCAM từ T. asperellum và S. caviscabies để phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, hiệu lực của chế phẩm đối với nấm F. solani đạt từ 70,34% đến 78,84%; hiệu lực đối với nấm Phytophthora sp. đat 80,61% – 83,85% (nấm trong rễ) và 70,92% - 73,08% (nấm trong đất). Ở điều kiện trong nhà lưới, chế phẩm BIOCAM cho hiệu lực đối với nấm F. solani trong đất và rễ cao nhất lần lượt là 73,82% và 70,57%; hiệu lực đối với nấm Phytophthora spp. trong đất đạt cao nhất là 71,82% và 62,39% với Phytophthora spp. trong rễ.
- Ở điều kiện đồng ruộng, sử dụng 3-4 lần/năm với liều lượng 80kg/lần bón đối với cây cam, quýt ở thời kỳ kinh doanh, chế phẩm BIOCAM cho hiệu lực đối với nấm F. solani đạt cao nhất là 77,35% ở thời điểm 3 tháng sau xử lý và 45 74,65% ở thời điểm 9 tháng sau xử lý. Lần đầu bón kết hợp với phân chuồng, các lần tiếp theo cách nhau 3-4 tháng cho hiệu quả phòng chống bệnh vàng lá thối rễ đạt trên 70%.
- Đã xây dựng được qui trình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học BIOCAM từ nấm T. asperellum và S. Caviscabies với công suất 100kg/mẻ, được hội đồng KHCN cấp cơ sở công nhận. Chất lượng chế phẩm có thể duy trì được từ khi sản xuất đến 6 tháng khi được bảo quản ở nhiệt độ thường, trong điều kiện râm mát.
- Các chế phẩm sinh học như BIOCAM, Tricô-ĐHCT, Ketomium, SH-Lifu đều có hiệu lực đối với bệnh vàng lá thối rễ đạt 63,74% -75,11% ở thời điểm 6 tháng sau xử lý và duy trì ở mức 43,43% - 63,76% ở thời điểm 9 tháng sau xử lý ở vùng trồng cam, quýt của Hưng Yên. Tại Bắc Giang, các chế phẩm cũng có hiệu lực từ 62,50% - 73,96% ở thời điểm 6 tháng sau xử lý và duy trì ở mức 56,04% - 65,38% ở thời điểm 9 tháng sau xử lý.
- Thuốc bảo vệ thực vật hóa học Marshal 200SC có hiệu lực phòng trừ rệp sáp giả ca cao gây hại gốc rễ đạt 87,74%. Các thuốc bảo vệ thực vật hóa học như: Solvigo 108SC, Tervigo 20SC có hiệu lực phòng trừ tuyến trùng lần lượt là 78,20%, 73,32% ở thời điểm 20 ngày sau xử lý kép lần 2 cách lần đầu 20 ngày.
- Kết hợp với thuốc BVTV hóa học với dầu khoáng SK Enspray 99 EC ở nồng độ 0,1-0,2% có thể giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học từ 20-40%, hiệu quả vẫn đạt từ 90-100% ở thời điểm sau phun 7-14 ngày.
- Qui trình “Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) có ứng dụng chế phẩm sinh học đối với cây cam, quýt ở thời kỳ kinh doanh (vườn cây hơn 5 năm tuổi)” và ”Qui trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại vùng rễ cây cam, quýt trên cơ sở ứng dụng chế phẩm sinh học” đã được sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình công nhận.
- Ứng dụng Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) có ứng dụng chế phẩm sinh học đối với cây cam, quýt ở thời kỳ kinh doanh (vườn cây hơn 5 năm tuổi)” và ”Qui trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại vùng rễ cây cam, quýt trên cơ sở ứng dụng chế phẩm sinh học” để xây dựng 02 mô hình với tổng diện tích 04ha cho hiệu quả phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ đạt cao nhất là 80,9% (7/2019) và 75,00% (7/2020 ) đối với mô hình trên đất trồng mới (chu kỳ 1) và 74,6% (7/2019); 78,79% (6/2020) với mô hình trên đất tái canh (chu kỳ 2). Hiệu quả 46 kinh tế tăng hơn so với đối chứng từ 27,31% đến 38,23%. Giảm số lần phun thuốc từ 6-7 lần/năm.
Nhóm đề tài mong muốn được tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu để hoàn thiện qui trình sản xuất chế phẩm BIOCAM nhằm tăng hiệu quả sử dụng và duy trì chất lượng trong quá trình bảo quản, tiến tới đăng ký chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật và sớm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu trên diện rộng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18334/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)