Nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình đập dâng nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du Sông Hồng
Cập nhật vào: Thứ ba - 07/07/2020 04:19 Cỡ chữ
Trong nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã cùng các Bộ ngành liên quan đề xuất một số giải pháp tháo gỡ như: (1) Lắp đặt các trạm bơm dã chiến trên sông để bơm tiếp nước phục vụ sản xuất, (2) Đề nghị tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xả nước từ các hồ chứa thượng nguồn để nâng cao mực nước trên sông mỗi năm khoảng 5 tỷ m3 nước; (3) Giải pháp nạo vét kênh mương để tăng khả năng lấy nước vào đồng… Nhưng các giải pháp mới chỉ mang tính ứng phó mà chưa có tính căn cơ lâu dài. Ví dụ, việc xả 5 tỷ m3 nước, thực chất chỉ sử dụng được khoảng 20% lưu lượng nước, đã gây tổn thất lớn (hàng trăm tỷ đồng) cho ngành điện, do chênh lệch giá điện giữa các thời kỳ cấp điện và tiềm ẩn nhiều sự xung đột trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Dưới tác động đan xen do gia tăng dân số một cách nhanh chóng, ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, sự phát triển một cách mạnh mẽ của các nền kinh tế kéo theo quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm cho an ninh nguồn nước đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng đặt ra một vấn đề cấp bách là phải có những giải pháp chủ động nguồn nước trên sông nhằm tạo ra sự ổn định cho phát triển kinh tế xã hội vùng.
Tuy nhiên, việc xây dựng, can thiệp các công trình trên dòng sông chính là vấn đề rất phức tạp, nên nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam do GS.TS. Trần Đình Hòa làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình đập dâng nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du Sông Hồng” từ năm 2015 đến 2018.
Một số kết quả của đề tài nghiên cứu:
(1) Vấn đề biến động lòng dẫn và hạ thấp mực nước trên sông Hồng nhất là đoạn qua Hà Nội, sự gia tăng đột biến tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng qua sông Đuống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân; tác động lớn, lâu dài đến vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước vùng hạ du sông Hồng nói riêng và đồng bằng Bắc bộ nói chung. Do đó, việc đề xuất, lựa chọn nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình dâng, điều tiết nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du Sông Hồng là một trong những nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
(2) Nếu hệ thống các công trình điều tiết được xây dựng đồng bộ, các công trình nói riêng và hệ thống nói chung trên sông Hồng vận hành theo đúng quy trình, sẽ giải quyết được hầu hết các vấn đề nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du đồng bằng sông Hồng: Nâng cao mực nước trong trường hợp nguồn nước được cấp về từ thượng nguồn có thể bị giảm sút hoặc không đảm bảo yêu cầu cho các công trình lấy nước; chủ động giữ ngọt và kiểm soát mặn phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt dịch vụ; tạo nguồn nước và điều kiện thuận lợi (nguồn nước và đầu nước) cho việc xử lý môi trường; đảm bảo khả năng giao thông thủy về mùa cạn; bằng việc tạo ra một mực nước cao, ổn định sẽ góp phần tạo cảnh quan, phát triển du lịch cho vùng thủ đô ven sông. Bên cạnh đó, đồng thời phải đảm bảo một yêu cầu tiên quyết là không được ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ về mùa mưa.
Giá trị đặc biệt rất khó tính được bằng tiền đó là sau khi xây dựng công trình điều tiết nước trên sông, sẽ góp phần rất lớn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các sông nhánh của sông Hồng, trên các hệ thống thủy lợi cũng như hệ thống tiêu thoát nước cho TP. Hà Nội - đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình điều tiết sẽ tạo nên một cảnh quan, phát triển du lịch cho vùng ven sông và trên sông Hồng đoạn qua TP. Hà Nội.
Việc xây dựng các công trình điều tiết nước trên sông vùng hạ du sông Hồng là cần thiết, có tính khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn xem xét sớm có quyết định đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15426) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)