Nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng vật liệu polyme xốp-cấu trúc nano, trong xử lý nước thải chứa kim loại nặng và các dung môi hữu cơ
Cập nhật vào: Thứ ba - 23/06/2020 01:47 Cỡ chữ
Những năm gần đây có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vật liệu polyme chức năng như: polyme y sinh; polyme phân hủy sinh học; polyme bền nhiệt, polyme áp điện, polyme hấp phụ xốp cấu trúc mao quản nano… Trong đó hướng nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng vật liệu polyme xốp cấu trúc mao quản naono ứng dụng trong xử lý nước thải chứa kim loại nặng và các loại dung môi hữu cơ độc hại cũng đang rất được quan tâm, xuất phát từ ba lý do sau đây: do yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, do nhu cầu ứng dụng và vấn đề bảo vệ môi trường.
Vì thế, từ năm 2016-2018, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội do TS. Mai Văn Tiến dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng vật liệu polyme xốp-cấu trúc nano, trong xử lý nước thải chứa kim loại nặng và các dung môi hữu cơ”.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Nghiên cứu lựa chọn và xây dựng được quy trình tổng hợp và biến tính vật liệu polyme xốp cấu trúc mao quản nano trên cơ sở copoly(divinylbenzen-styren) và tổng hợp thành công vật liệu copolyme xốp, cấu trúc mao quản nano đồng thời biến tính thành công vật liệu copolyme xốp.
- Phân tích xác định đặc trưng cấu trúc, tính chất của vật liệu copolyme xốp và vật liệu copolyme xốp biến tính bằng các phương pháp theo tiêu chuẩn TCVN, ISO và các phương pháp phân tích phổ hồng ngoại IR, chụp SEM, phân tích nhiệt TGA, BET..
- Thử nghiệm đánh giá khả năng hấp phụ xử lý của vật liệu copolyme xốp đối với Toluen, Phenol và Propanol và vật liệu copolyme xốp biến tính đối với các ion Pb2+, Cr3+, Cu2+, Hg2+ và Zn2+.
- Thiết kế xây dựng và thử nghiệm mô hình ứng dụng
- Thử nghiệm đánh giá hiệu quả xử lý của mô hình đối với các loại mẫu nước thải thực tế.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở và mở ra triển vọng cho việc triển khai đưa sản phẩm và kỹ thuật mới vào ứng dụng trong lĩnh vực môi trường, cụ thể là vấn đề xử lý nước thải ô nhiễm kim loại nặng và các loại dung môi hữu cơ độc hại. Thành công của đề tài góp phần phát triển thêm cho lĩnh vực công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, đem lại giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp và đặc biệt là cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15650) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)