Nghiên cứu tổng hợp thuốc điều trị ung thư sorafenib tosylat
Cập nhật vào: Thứ năm - 04/02/2021 09:55 Cỡ chữ
Sorafenib là thuốc dùng để điều trị ung thư gan và thận rất hiệu quả do Hãng dược phẩm Bayer của Đức sản xuất với tên thương mại là Nexavar (Sorafenib Tosylate). Cơ chế tác dụng của thuốc là ngăn chặn các tín hiệu của tế bào khối u, hạn chế sự phát triển và phân chia của các tế bào này, làm giảm sự hình thành các mạch máu mới do đó giảm sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư giúp kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Sorafenib được tiêu thụ trên 100 nước trên thế giới và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. Theo thống kê, doanh số bán ra của Sorafenib của hãng dược Bayer cả năm 2010 là 934 triệu đôla còn năm 2011 là 1,008 tỷ đôla (tăng 8%). Được đánh giá là hiệu quả trong điều trị các bệnh ung thư nói trên nên Sorafenib được tiêu thụ rất lớn. Hầu hết các bệnh viện lớn trong nước như Bệnh viện K, Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy… đều sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên tất cả lượng thuốc Nexavar dùng điều trị ung thư trong nước là thuốc nhập ngoại, giá bán rất đắt. Theo báo giá trúng thầu cung cấp thuốc này tại các bệnh viện năm 2013, giá bán mỗi viên Nexavar 200mg là 983.334 VND.
Việt Nam là nước đang phát triển, phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường lớn, tình trạng kiểm soát các chất độc hại trong quá trình sản xuất và bảo quả thực phẩm chưa tốt, phong tục tập quán và thói quen như ăn nhiều thức ăn cay nóng, uống nhiều bia rượu… là những nhân tố chính gây ra các bệnh ung thư, đặc biệt ung thu gan, thận…
Mặc dù, thuốc Sorafenib đắt đỏ, sử dụng nhiều và rất hiệu quả trong điều trị nhưng thuốc này chưa được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Theo thống kê, hiện số lượng bệnh nhân mắc bệnh và tử vong do ung thư ngày càng tăng đặc biệt là ung thư gan, thận và ung thư tuyến giáp… Sorafenib tosylat được đánh giá là rất hiệu quả trong phác đồ điều trị vì vậy nhu cầu sử dụng thuốc này rất lớn. Tuy nhiên, giá thành của thuốc rất đắt, mỗi bệnh nhân tiêu tốn khoảng 50-60 triệu /tháng gây áp lực lớn về kinh tế cho các gia đình người bệnh cũng như khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế. Thuốc Sorafenib tosylat sẽ hết hạn bảo hộ vào năm 2018, do đó đề nghị Chương trình Hoá dược xem xét cho tiếp tục phát triển tiếp đề tài để sản xuất thuốc generic sorafenib tosylat với giá thành hợp lý phục vụ người bệnh trong nước.
Trước những thực tế này, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Cao Hải Thường, Học viện Kỹ thuật quân sự đã kiến nghị thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tổng hợp thuốc điều trị ung thư sorafenib tosylat” nhằm có thể tiến tới tự sản xuất để phục vụ cho nhu cầu trong nước với giá cả hợp lý cạnh tranh và thay thế thuốc nhập ngoại.
Đề tài đã thực hiện thành công 10 nội dung nghiên cứu như đã đăng ký trong thuyết minh, bao gồm: Tổng hợp 4-chloropicolinoyl chloride; Tổng hợp 4-chloro-N-methylpicolinamide; Tổng hợp 4-(4-aminophenoxy)-picolinamide; Tổng hợp sorafenib; Tổng hợp sorafenib tosylat đạt tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn hãng Guangdong Trung Quốc và đạt quy mô 100 g/mẻ 6; Nghiên cứu độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của sorafenib tosylat; Nghiên cứu độ ổn định của sản phẩm sorafenib tosylat theo phương pháp lão hóa cấp tốc; Nghiên cứu sản xuất 300g sorafenib tosylat; Kiểm tra cấu trúc và hàm lượng sản phẩm sorafenib tosylat; Xây dựng và thẩm định tiêu chuẩn cơ sở.
Các kết quả thu được cho thấy tất cả các sản phẩm trung gian và sản phẩm chính sorafenib tosylat đều có thể phân lập tinh chế bằng phương pháp kết tinh lại. Do vậy quy trình điều chế hoạt chất sorafenib tosylat có thể tiếp tục mở rộng quy mô, công suất để có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp với giá thành hợp lý.
Sự thành công của đề tài sẽ làm cơ sở tiền đề để phát triển các đề tài, dự án sản xuất tiếp theo góp phần vào sự phát triển của khoa học công nghệ Việt Nam nói chung, ngành sản xuất thuốc generic nói riêng; đáp ứng yêu cầu tự chủ trong việc khám và điều trị các bênh ung thư, chủ động sản xuất thuốc chữa trị ung thư gan thận và tuyến giáp có giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu và chủ động trong việc khám và điều trị, góp phần xây dựng ngành công nghiệp hóa dược ở nước ta.
Kết quả này cũng sẽ chuyển giao hoặc liên kết với các công ty dược để xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm tiến tới sản xuất và lưu hành thuốc sorafenib tosylat chữa bệnh ung thư thận, ung thư gan và đặc biệt là ung thư tuyến giáp tại Việt Nam. Ngoài ra, sẽ được giới thiệu tới các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, các tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa dược thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học... để tìm kiếm sự hỗ trợ phát triển và xem xét triển khai áp dụng trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15565/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)