Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống đánh giá ảnh hưởng đồng thời của mặt thoáng và chiều quay chân vịt đến điều khiển hướng chuyển động tàu thủy
Cập nhật vào: Thứ sáu - 02/12/2022 01:21 Cỡ chữ
Bài toán điều khiển hướng chuyển động tàu thủy theo quỹ đạo cho trước là bài toán tổng hợp, liên ngành. Đặc biệt là việc điều khiển tàu tự động, khi mà bất kỳ yếu tố nhiễu nào cũng có thể gây sai số cho quá trình điều khiển (đối với điều khiển bằng tay thì sai số này có thể được khắc phục trực tiệp bằng lệnh điều động). Có thể kể đến các yếu tố nhiễu như ảnh hưởng của dòng chảy, gió, sóng, xâm thực bánh lái, chân vịt và điển hình là ảnh hưởng đồng thời của mặt thoáng và chiều quay chân vịt (trái, phải) ở mỗi số vòng quay khác nhau.
Với mục tiêu từng bước hoàn thành cơ sở lý luận và xây dựng được trang thiết bị thí nghiệm thực hành về đánh giá tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến đặc tính điều khiển hướng chuyển động của tàu thủy, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Phạm Kỳ Quang tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống đánh giá ảnh hưởng đồng thời của mặt thoáng và chiều quay chân vịt đến điều khiển hướng chuyển động tàu thủy” từ năm 2019 đến năm 2020.
Bằng các phương pháp nghiên cứu đã thực hiện, đề tài đã đạt được mục tiêu nghiên cứu, đã hoàn thành theo đúng nội dung và thời gian đăng ký như sau:
- Nghiên cứu lý thuyết về khoa học hàng hải, thủy khí động lực học;
- Nghiên cứu lý thuyết về thiết kế mô hình vỏ tàu, chân vịt, bánh lái;
- Nghiên cứu lý thuyết ảnh hưởng đồng thời của mặt thoáng và chiều quay chân vịt đến quỹ đạo chuyển động tàu thủy;
- Xây dựng mô hình bài toán tổng quát;
- Ứng dụng CFD nghiên cứu ảnh hưởng đồng thời của mặt thoáng và chiều quay chân vịt đến quỹ đạo chuyển động tàu thủy;
- Thiết kế, chế tạo các thiết bị cần thiết và vận hành hệ thống nghiên cứu ảnh hưởng đồng thời của mặt thoáng và chiều quay chân vịt đến quỹ đạo chuyển động tàu thủy.
Việc đánh giá được tác động đồng thời của mặt thoáng và chiều quay chân vịt cho phép chỉ ra tính bất ổn định của lực bẻ lái, cụ thể là xác định được ảnh hưởng đến biên độ và chu kỳ dao động lực bẻ lái, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ đạo chuyển động của tàu thủy. Như vậy, kết quả của đề tài, ngoài việc phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện hàng hải, công bố khoa học còn đưa ra được bộ kết quả tham khảo cho các chuyên gia trong lĩnh vực điều khiển tàu tự động có được các chương trình đủ thông minh nhằm giảm thiểu sai số điều khiển...
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17916/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)