Nghiên cứu, thiết kế, tích hợp trung tâm điều khiển, giám sát Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2
Cập nhật vào: Thứ hai - 21/03/2022 01:59 Cỡ chữ
Than đá và dầu mỏ là các nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng cho mỗi quốc gia. Để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên này, đòi hỏi các nhà khoa học luôn phải nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học mới nhất vào các khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến.
Theo số liệu khảo sát, thăm dò, trữ lượng than của Việt Nam còn khoảng 3,2 tỉ tấn ở độ sâu tới 300 mét. Sản lượng khai thác theo kế hoạch đề ra của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phấn đấu đạt mức 48-50 triệu tấn năm 2011, năm 2015 là 60-65 triện tấn, năm 2020 là 70-75 triệu tấn và đạt trên 80 triệu tấn vào năm 2025.
Với sản lượng than khai thác ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu tuyển và phân loại than nguyên khai cũng tăng lên. Hiện tại, các nhà máy tuyển than ở Việt Nam chỉ có khả năng tuyển và phân loại khoảng 30% lượng than nguyên khai, số còn lại khoảng 70% được xử lý bằng phương pháp sàng, nghiền và trộn tại các công ty khai thác than. Sàng tuyển là khâu cuối của quá trình sản xuất than, nó giữ vai trò quyết định đối với chất lượng sản phẩm cuối cùng của quá trình sản xuất.
Với mục đích nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị trong liên danh các nhà thầu trong nước thực hiện hợp đồng EPC công trình nhà máy sàng tuyển Vàng Danh 2 được thuận lợi, năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật) đã đồng ý phê duyệt cho các đơn vị thuộc liên danh các nhà thầu này thực hiện dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu công nghệ, thiết kế và chế tạo một số thiết bị chính cho nhà máy sàng tuyển Vàng Danh 2, công suất 2 triệu tấn/năm”. Đề tài do Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Văn Hiếu thực hiện với mục tiêu làm chủ thiết kế, công nghệ, chế tạo và lắp đặt hệ thống điều khiển sử dụng trong các nhà máy tuyển than khác, tiến tới có thể thiết kế các hệ thống điều khiển có các tính năng hiện đại, quy mô làm việc lớn hơn.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đề tài đã thực hiện: thiết kế, chế tạo, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, chuyển giao cho công ty than Vàng Danh - TKV đưa vào sử dụng 01 hệ thống điều khiển tự động tại công trình nhà máy sàng tuyển Vàng Danh 2. Về số lượng sản phẩm dạng I: đủ (01 hệ thống điều khiển tự động); các thông số kỹ thuật - vận hành của sản phẩm: đạt yêu cầu đặt ra của hợp đồng khoa học và công nghệ; về chất lượng kỹ thuật của thiết bị: sản phẩm của đề tài có chất lượng kỹ thuật cao hơn sơ với các hệ thống điều khiển nhà máy tuyển than hiện có ở Việt Nam, cấp độ hiện đại đạt mức trung bình tiên tiến trong khu vực, bảo đảm độ tin cậy, an toàn trong sử dụng, vận hành;
- Đã xây dựng được 01 bộ tài liệu thiết kế, chế tạo, tích hợp và lắp đặt sản phẩm hệ thống điều khiển trọn bộ cho nhà máy tuyển than huyền phù manhêtit, 01 bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng vận hành thiết bị, bảo đảm chất; đã xây dựng chương trình phần mềm điều khiển tự động toàn nhà máy; đã xây dựng 15 chuyên đề về các nội dung nghiên cứu tổng quan, thiết kế, xây dựng phần mềm và lắp đặt, chạy thử hệ thống, phục vụ các nội dung cần thiết của đề tài; Đã có 01 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học và công nghệ có tín nhiệm. Bảo đảm số lượng và chất lượng các sản phẩm dạng II và III;
- Thời gian thực hiện: bảo đảm tiến độ theo hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký;
- Hệ thống giảm trên 60% người vận hành - quản lý so với các nhà máy tương tự khác trong Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được Tập đoàn đánh giá cao và làm mô hình điển hình về ứng tự động hóa Nhà máy tuyển than nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong chương trình hành động Tin học hóa - Tự động hóa 2017- 2020, tầm nhìn 2030;
- Khâu tuyển trái tim của nhà máy là hệ tuyển huyền phù Manhêtit CKB I & II và khâu lọc ép tăng áp đã được vận hành tự động hoàn toàn giúp tăng cường độ chính xác, tăng năng suất và tối ưu tiêu hao nguyên vật liệu và tổn thất than, tăng tỷ lệ thu hồi manhêtit trên 50%;
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17124/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)