Nghiên cứu, thiết kế tích hợp hệ thống giám sát tự động trọng lượng khí của bình cứu hỏa ứng dụng trong phòng cháy chữa cháy
Cập nhật vào: Thứ ba - 19/01/2021 02:45 Cỡ chữ
Trong công nghiệp, hầu hết các bình cứu hỏa nói chung và bình cứu hỏa dạng khí nói riêng cần phải được bảo quản và kiểm tra định kỳ thường xuyên nhằm đảm bảo hiệu quả chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra. Quá trình bảo quản và sử dụng theo thời gian làm cho áp suất và khối lượng trong bình bị tiêu hao, dẫn đến giảm hiệu quả chữa cháy của bình cứu hỏa. Đối với bình cứu hỏa dạng khí thì phải đảm bảo trọng lượng khí trong bình nằm trong giới hạn cho phép. Để xác định trọng lượng khí trong Bình cứu hỏa người ta có thể sử dụng đồng hồ đo áp suất tại mỗi bình hoặc sử dụng phương pháp cân truyền thống, nghĩa là để kiểm tra xem bình còn đảm bảo trọng lượng khí cho phép hay không người ta mang bình đi cân, nếu trọng lượng nằm trong giới hạn cho phép thì bình vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, còn nếu trọng lượng của bình nhỏ hơn mức cho phép thì người ta phải tiến hành mang đi nạp bổ sung. Đối với những nơi có số lượng bình chữa cháy lớn, thì việc tự động hóa quá trình kiểm tra giám sát trọng lượng của từng bình là cần thiết, từ đó nâng cao được hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của hệ thống phòng chữa cháy, giảm nhân công trong quá trình bảo quản, sử dụng và vận hành hệ thống.
Trước thực tế trên, năm 2018, nhóm nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp do ThS. Cao Thị Mai Phương làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, tích hợp hệ thống giám sát tự động trọng lượng khí của bình cứu hỏa ứng dụng trong phòng cháy chữa cháy” nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tế sản xuất, giảm chi phí nhân công, đảm bảo tính kịp thời trong công tác phòng cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản, kiểm tra định kỳ, sử dụng các thiết bị sẵn có trong nước.
Đề tài đưa ra giải pháp mới trong việc giám sát và kiểm tra bình cứu hỏa bằng khí từ các linh kiện trong nước, phục vụ trong việc phòng chữa cháy trong các nhà máy xí nghiệp công nghiệp. Hiệu quả kỹ thuật và kinh tế của đề tài là ở chỗ chỉ dùng một bộ hiển thị trọng lượng duy nhất cho tất cả các bình cứu hỏa. Trong khi đó các bộ hiển thị cân thực tế đang có trên thị trường nhập khẩu của nước ngoài, không cho phép đồng thời làm việc với các cảm biến trọng lượng riêng biệt. Kết quả của đề tài giúp làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm tương tự của nước ngoài, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, chủ động trong sửa chữa và thay thế khi có hỏng hóc.
Vấn đề tồn tại của đề tài là chưa tự động hóa toàn bộ được quá trình giám sát và kiểm tra bình cứu hỏa, vì chưa tự động nạp lại được lượng khí bị suy hao trong quá trình bảo quản và đây cũng là hướng phát triển tiếp theo của đề tài.
Sản phẩm của đề tài là cơ sở để tính toán, phát triển các hệ thống có số lượng bình cứu hỏa nhiều hơn ứng dụng trong công nghiệp. Các hệ thống cần giám sát tự động trọng lượng khí của bình cứu hỏa ứng dụng trong phòng cháy chữa cháy, ghi nhận thông tin kịp thời để cấp khí bổ sung, đảm bảo tính kịp thời, an toàn của hệ thống phòng cháy chữa cháy đặc biệt ở những Nhà máy, xí nghiệp sử dụng phương pháp chữa cháy bằng khí tập trung (sử dụng bình cứu hỏa) đặc biệt ở 5 những khu vực phòng kín, buồng hầm mà những phương pháp cứu hỏa khác khó phát huy tác dụng như trong các nhà máy xi măng, hầm lò…
Kết quả của đề tài có tính ứng dụng cao thực tiễn và trong giảng dạy, học tập của học sinh sinh viên chuyên ngành điện, điện tử, tự động hoá tại các cơ sở giáo dục có đào tạo các ngành nghề trên nói chung và của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp nói riêng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16194/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)