Nghiên cứu thành phần loài và các chỉ số đa dạng sinh học của họ cá bống phân bố ở vùng bãi bồi ven biển Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ hai - 17/04/2023 02:37 Cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện khoảng 41.000 km2, vùng đất ở cuối bán đảo Đông Dương với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằn chịch và nhiều đảo, được hình thành từ trầm tích phù sa và bồi dần qua thời gian dài. Đây cũng là phần hạ lưu của sông Mekong với chín cửa biển và có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài động vật thủy sinh bao gồm cá. Đặc biệt là vùng cửa sông ven biển, nơi giao thoa của nước ngọt và nước mặn, là nơi có rất nhiều loài cá sống và cũng là bãi đẻ của nhiều loài cá đặc biệt là cá bống.
Nhận thấy tầm quan trọng của cá bống, TS. Đinh Minh Quang cùng các cộng sự tại Trường Đại Học Cần Thơ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần loài và các chỉ số đa dạng sinh học của họ cá bống phân bố ở vùng bãi bồi ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” từ năm 2015 đến năm 2017.
Mục tiêu của nghiên cứu là bổ sung được dẫn liệu khoa học về thành phần loài và các chỉ số đa dạng sinh học của họ cá bống phân bố ở vùng bãi bồi ven biển ĐBSCL; xác định được thành phần loài và chỉ số đa dạng sinh học họ cá bống ở vùng bãi bồi ven biển ĐBSCL; cung cấp được dẫn liệu về đặc điểm dinh dưỡng, sinh học sinh sản và biến động quần thể của một số loài cá bống có giá trị kinh tế cao ở vùng bãi bồi ven biển ĐBSCL.
Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
- Họ Eleotridae và Gobiidae có thành phần loài đa dạng, chỉ số đồng đều cao, khả năng xuất hiện loài ưu thế thấp. Sự chênh lệch độ mặn giữa mùa mưa và mùa khô cũng như giữa các điểm thu mẫu chưa tác động mạnh đến sự phân bố thành phần loài cá bống ở khu vực nghiên cứu. Kết quả phân tích 37.133 cá thể cá cho thấy họ cá bống đen gồm có 4 giống 8 loài, họ cá bống trắng có 23 giống 37 loài trong 4 phân họ. Số loài theo mùa, theo tháng, theo địa điểm chênh lệch nhau không nhiều. Nghiên cứu này đã bổ sung 4 loài so với 1 số nghiên cứu gần đây là Acentrogobius sp., Acentrogobius sp. 1, Acentrogobius sp. 2 và Eleotris fusca. Đã cung cấp được khóa định loại cho các loài cá bống ở khu vực ven biển ĐBSCL.
- Cá kèo vảy to (Parapocryptes serperaster) thuộc nhóm ăn tạp và sử dụng thức ăn chính là mùn bã hữu cơ, trong khi đó, cá bống cát (Glossogobius giuris), cá bống trân (Butis butis) và cá bống trứng (Eleotris melanosoma) thuộc nhóm ăn động vật và sử dụng thức ăn chính là cá con và giáp xác. Hệ số no ở cá kèo vảy to dao động theo tháng, mùa nhưng không theo nhóm chiều dài; trong khi đó, hệ số này ở cá bống cát, cá bống trân và cá bống trứng không dao động theo giới tính, kích cỡ và mùa. Độ béo Clark ở cá bống cát dao động theo giới tính và mùa vụ trong khi hệ số này ở cá bống trân và cá bống trứng không dao động theo giới tính, kích cỡ và mùa vụ. Phổ dinh dưỡng của cá kèo vảy to thay đổi theo kích cỡ và mùa vụ; nhưng phổ dinh dưỡng này ở cá bống cát, cá bống trân và cá bống trứng không thay đổi theo giới tính, kích cỡ và mùa.
- Bốn loài này đẻ chủ yếu vào mùa mưa dao động từ tháng 7 đến tháng 10 dựa trên kết quả phân tích của hệ số thành thực sinh dục (GSI), hệ số tích lũy năng lượng (HIS) và tần suất xuất hiện của các giai đoạn phát triển. Chiều dài thành thục đầu tiên đặc trưng cho từng loài như: ở cá kèo vảy to có chiều dài thành thục đầu tiên là 15,80 cm chiều dài tổng của cá (TL) ở cá cái và 16,30 cm TL ở cá đực. Cá bống cát có chiều dài thành thục đầu tiên là 9,17 cm ở cá đực và 8,01 cm ở cá cái. Cá bống trân đực có chiều dài thành thục đầu tiên ở 9,01 cm TL và lớn hơn so với giá trị này ở cá cái 7,04 cm TL. Chiều dài thành thục đầu tiên của cá bống trứng đực là 8,91 cm TL và cá cái là 7,35 cm TL. Bốn loài cá này có sức sinh sản tuyệt đối cao, cụ thể, 6.000-11.700 trứng/cá kèo vảy to cái, 5.118-100.003 trứng/cá bống cát cái, 14.968-78.450 trứng/cá bống trân cái và 1.300–6.600 trứng/cá bống trứng cái.
- Quần thể của ba loài cá bống cát, cá bống trân và cá bống trứng đang rơi vào tình trạng khai thác quá mức. Cá kèo vảy to và cá bống cát thuộc nhóm tăng trưởng đồng đẳng trong khi đó cá bống trân và cá bống trứng thuộc nhóm cá tăng trưởng bất đẳng. Những loài cá này sống ở môi trường có điều kiện thức ăn đầy đủ cho sự phát triển của chúng vì chúng có hệ số điều kiện tương đương với giá trị chuẩn (giá trị 1).
Kết quả nghiên cứu đã cung cấp được các thông số sinh học quần thể, hình thức tăng trưởng và hệ số điều kiện cũng như sự biến động của những yếu tố này theo giới tính, mùa và kích cỡ của 4 loài cá kinh tế ở khu vực nghiên cứu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18293/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)