Nghiên cứu thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của rễ cây ba bét lùn (Mallotus nanus airy shaw), theo hướng làm thuốc điều trị một số bệnh da liễu
Cập nhật vào: Thứ năm - 18/06/2020 22:50 Cỡ chữ
Chi Ba bét (Mallotus) gồm khoảng 150 loài, phân bố tại các khu vực từ Ấn Độ, Sri Lanka đến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và khắp vùng Malesian. Các loài Mallotus là các cây thuốc quý, chứa nhiều hoạt tính đáng quan tâm. Mallotus được sử dụng như những cây thuốc trong y học cổ truyền Việt Nam và các nước Đông Nam Á để điều trị các bệnh khác nhau như nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, bệnh gan, bệnh ngoài da, sốt, sốt rét và một loạt các biểu hiện khác.
Rễ cây Ba bét lùn đang được sử dụng rộng rãi trong các tộc người bản địa mà chưa được chứng minh tác dụng một cách khoa học. Bốn cơ chế bệnh sinh của trứng cá: tăng tiết chất bã do tăng nồng độ androgel; sừng hóa cổ nang lông tuyến bã; vi khuẩn P acnes và viêm. Từ năm 2014 đến 2016, ThS. Phan Thị Hoa cùng các cộng sự tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của rễ cây ba bét lùn (Mallotus nanus airy shaw), theo hướng làm thuốc điều trị một số bệnh da liễu”.
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:
1. Chiết xuất và phân lập, xác định cấu trúc hoá học của một số chất có trong rễ cây Ba bét lùn
- Đã sử dụng phương pháp chiết bằng Soxhlet với dung môi Ethanol 80% để chiết các hoạt chất có trong rễ cây Ba bét lùn (Mallotus nanus) sau đó chiết với dung môi có độ phân cực tăng dần là n-hexan (MNH), etyl axetat (MNE) và etanol-nước tạo ra cặn để phân lập và thử tác dụng sinh học.
- Bằng các phương pháp phổ cộng hưởng từ hạt nhân và phổ khối lượng, xác định cấu trúc hoá học 5 hợp chất đã phân lập là: acid palmitic (MNH3), stigmast-4-en-3-on (MNH4), β-sitosterol (MNH5), mallonanoside A (HNE1), daucosterol (HNE2)
2. Độc tính cấp, kích ứng da, kích ứng mắt và độc tính bán trường diễn.
- Về độc tính cấp: Phạm vi an toàn của cặn tổng, ethyl acetat, n-hexan từ cây Ba bét lùn đạt yêu cầu, liều tác dụng < 1/100 LD50. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về thuốc có nguồn gốc dược liệu với chỉ số TI > 100, đây là dược liệu ít có độc tính cấp.
- Về khả năng gây kích ứng da: Đây là lần đầu tiên rễ cây Ba bét lùn (Mallotus nanus Airy Shaw) được nghiên cứu, về thành phần hoá học và tác dụng sinh học trên invivo và invitro và cũng là lần đầu tiên nuôi cấy, vi khuẩn P.acnes (từ chủng chuẩn và chủng phân lập trên bệnh nhân trứng cá) được phân lập để thử tác dụng các phân đoạn chiết. Kết quả nghiên cứu có thể tạo ra một chế phẩm mới có khả năng chống viêm, tiêu sừng, kháng P.acnes có nguồn gốc từ thực vật.
3. Tác dụng kháng khuẩn và tác dụng điều trị của cặn chiết tổng BBL trên động vật thí nghiệm.
MIC của cặn chiết ethyl acetat (MNE) với P.acnes ATCC là 22,07 mg/ml. MIC của dịch chiết n- hexan (MNH) với P.acnes ATCC là 6,348 mg/ml.
MIC của dịch chiết toàn phần (MNT) với P.acnes ATCC là 8,8 mg/ml. MIC của chất sạch Mallonanocid A (MN1) với P.acnes ATCC là 158,48 µg/ml.
MIC của dịch chiết MNH với P.acnes từ bệnh nhân là 200µg/ml. Cặn chiết tổng nồng độ 10% và 20% pha trong cồn 200 có tác dụng mạnh với vi khuẩn P.acnes nuôi cấy từ bệnh nhân và chủng chuẩn.
Trên vành tai chuột, đáp ứng viêm do vi khuẩn P. acnes biểu hiện sưng, tăng độ dày và trên hình ảnh kính hiển vi có hiện tượng viêm điển hình.
- Dịch chiết nước 20% và dịch chiết cồn 10% Có tác dụng chống viêm tốt đối với tác nhân gây viêm là vi khuẩn P.acnes, giảm thời gian, biểu hiện viêm sưng do P.acnes gây ra. So với nhóm bôi tetracyclin tai chuột chở về bình thường sau 16 ngày trong khi bôi BBL dịch chiết nước 20% tai chuột trở về bình thường sau 18 ngày và bôi BBL dịch chiết cồn 10% tai chuột trở về bình thường sau 22 ngày.
- Mô hình này là cơ sở để đánh giá tác dụng điều trị bệnh trứng cá của rễ cây Ba bét lùn trên người.
- Ba bét lùn dịch chiết nước 20% và 40% và dịch chiết cồn 10% có tác dụng làm giảm tình trạng viêm kiểu trứng cá trên tai chuột cống trắng gây ra bởi vi khuẩn P.acnes
- Dịch chiết Ba bét lùn dạng cặn tổng và ethyl acetat đều cho kết quả nang lông, tuyến bã trở về bình thường sau 2 tuần, kết quả này tương đương với Locacid 0,05% và Oxy-5 - Về cơ chế bệnh sinh của bệnh trứng cá cao chiết tổng 10% có tác dụng tốt trên thí nghiệm ức chế NO làm mất sừng hóa nang lông tuyến bã trên mô hình 170 tai thỏ, có tác dụng chống viêm trên tai chuột và tác dụng diệt vi khuẩn P.acnes ở chủng chuẩn và 2 chủng phân lập từ bệnh nhân. Vì vậy kết luận cao tổng có tác dụng tốt nhất trong điều trị trứng cá
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15645) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)