Nghiên cứu tác dụng và cơ chế tác dụng ở mức độ phân tử liên quan đến bệnh tự miễn và ung thư của một số bài thuốc y học cổ truyền và cây thuốc của Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/10/2023 10:53 Cỡ chữ
Bệnh tự miễn khá nguy hiểm vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn và gây nhiều biến chứng nặng. Đến nay có hơn 80 bệnh tự miễn khác nhau được ghi nhận, các bệnh thường gặp như viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, đái tháo đường tuýp 1, đa xơ cứng… Viêm, đau cơ, mệt mỏi và sốt nhẹ thường là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tự miễn. Nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch bị rối loạn vẫn chưa được biết, nên cách điều trị thường chỉ làm giảm bớt triệu chứng, kiểm soát các phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Các loại thuốc được sử dụng là kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc ức chế miễn dịch và phải điều trị dài ngày, rất khó chữa khỏi. Tác dụng phụ lớn nhất là chúng không chỉ tác động đến các tế bào miễn dịch gây ra bệnh mà còn bất hoạt cả những tế bào đang hoạt động bình thường. Điều này khiến cho cơ thể dễ dàng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh liên quan khác.
Theo đuổi hướng tìm kiếm các chất có hoạt tính từ bài thuốc thảo dược và cây thuốc có ở Việt Nam, PGS. TS. Trịnh Thị Thuỷ (Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phối hợp với GS. Domenico Delfino, Đại học Y Perugia, Italy, thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tác dụng và cơ chế tác dụng ở mức độ phân tử liên quan đến bệnh tự miễn và ung thư của một số bài thuốc y học cổ truyền và cây thuốc của Việt Nam”.
Nhóm nghiên cứu tập trung đi sâu vào dòng ung thư tủy xương cấp là dòng liên quan đến hệ miễn dịch, ung thư máu - là căn bệnh có độ nguy hiểm cao hơn và gây nhiều khó khăn trong việc chữa trị so với nhiều loại ung thư khác. Tranh thủ sự hỗ trợ của phía đối tác hợp tác, đề tài đi sâu đánh giá nghiên cứu cơ chế tác dụng ở mức độ phân tử và biểu hiện gen của các chất, hỗn hợp chất có tiềm năng. Đây sẽ là cơ sở khoa học cho việc tìm ra những hoạt chất có tiềm năng và chứng minh tác dụng sinh học, cơ chế tác dụng của chúng bằng các phương pháp tiên tiến ở mức độ phân tử theo tiêu chuẩn châu Âu. Kết quả đạt được sẽ là những minh chứng khoa học nhằm nâng cao giá trị một số bài thuốc thảo dược, góp phần phát triển y học cổ truyền trong thời kỳ hội nhập quốc tế cũng như định hướng ứng dụng cao từ dược liệu đặc thù của Việt Nam.
Nhiệm vụ đã thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành tốt mục tiêu và đạt được đầy đủ các sản phẩm được phê duyệt trong thuyết minh và hợp đồng, một số mục vượt so với yêu cầu. Kết quả tóm tắt như sau:
Về nghiên cứu bài thuốc y học cổ truyền
Cao chiết thuốc Phong tê thấp Bà Giằng (PTTBG) có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù bàn chân chuột bởi carragenin và có tác dụng làm giảm 7% và 13,9 % trọng lượng ổ viêm khi thử kháng viêm mạn. Ngoài ra nó có khả năng làm giảm tỉ lệ phát triển của tế bào ung thư tủy xương cấp (OCI-ALM3) ở nồng độ lớn hơn 100μg/mL. Ảnh hưởng này là do sự tăng cường biểu hiện của các enzyme kích hoạt tế bào chết theo chương trình (apoptosis).
Cao chiết thuốc Đại tràng Bà Giằng (DTBG) đã thể hiện rõ hoạt tính kháng viêm theo đường uống và ức chế sự phát triển của tế bào OCI-ALM3 bằng cách làm tăng đáng kể tế bào chết theo chương trình (apoptosis).
Về nghiên cứu phân đoạn có tiềm năng hoạt tính
Hướng đến khả năng ứng dụng, nhiệm vụ đã đánh giá tác dụng sinh học của phân đoạn, nhóm chất: Đã đánh giá tác dụng điều hòa miễn dịch, ức chế miễn dịch của hỗn hợp phenolic từ lá Chay bắc bộ (ATP) trên mô hình động vật. Nghiên cứu về tác dụng và cơ chế tác dụng của ATP cho kết quả rất thú vị. Đã xây dựng quy trình chiết phân đoạn các hợp chất tagitinin từ cây Cúc quỳ với thành phần là hai chất chính: Tagitinin A và Tagitinin C. Từ loài Thông nàng đã phân lập xác định được cấu trúc của 10 chất (DI1 - DI10. Từ loài Pơ mu đã phân lập và xác định được cấu trúc của 9 hợp chất (FH1- FH9. Ngoài ra, từ loài Côm hải nam đã phân lập phân lập và xác định được cấu trúc của bảy triterpen (EH1-EH7). Trong đó chất EH5, EH6, EH7 là ba chất mới. Đã đánh giá tác dụng của một số chất sạch chọn lọc từ các loài nghiên cứu trên dòng tế bào ung thư tủy xương cấp (OCI-AML3). Đây là lần đầu các chất trên được thử nghiệm trên dòng tế bào OCI-AML3.
Như vậy, hỗn hợp ATP rất có tiềm năng để phát triển thành thuốc ứng dụng điều trị các bệnh tự miễn, điều biến miễn dịch và rất có tiềm năng để phát triển thành thực phẩm hoặc thuốc. Ngoài ra hỗn hợp ATP có tiềm năng hỗ trợ điều trị biến chứng do viêm nhiễm do virus và giảm cơn bão “cytonkin” ở bệnh nhân COVID-19 nặng. Chủ nhiệm đề tài mong muốn được xem xét hỗ trợ để tiếp tục nghiên cứu phát triển tạo ra sản phẩm ứng dụng từ kết quả của nhiệm vụ.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18956/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)