Nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của quả me rừng (Phyllanthus emblica L.)
Cập nhật vào: Thứ tư - 03/08/2022 01:10 Cỡ chữ
Quả me rừng có nhiều tác dụng sinh học như chống oxy hóa, chống tiểu đường, chống mỡ máu, bảo vệ tim mạch, chống ung thư và tăng sinh tế bào, chống đột biến, chống lão hóa não bộ, bảo vệ gan, kháng viêm, hạ sốt, giảm đau, kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng, chống rối loạn tiêu hóa và các tác dụng sinh học khác.
Me rừng ((Phyllanthus emblica L.)
Góp phần nghiên cứu tác dụng của quả me rừng, GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường và nhóm nghiên cứu Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên tiến hành nhiệm vụ phát triển công nghệ: “Nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của quả me rừng (Phyllanthus emblica L.)”, mã số: UDPTCN 06/18-19 với mục tiêu nghiên cứu thành phần hoá học và đánh giá tác dụng sinh học từ quả me rừng, tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh gan.
Quả Me rừng còn gọi là Mắc Kham, Chùm ruột núi, Mận rừng, Dư cam tử, Diều cam, Xì la liên. Là loại cây mọc hoang, xuất hiện nhiều tại các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, v/v. thuộc phía Bắc nước ta. Me rừng rất sai quả, sản lượng có thể đạt từ hàng chục đến hàng trăm kg quả tươi/cây. Me rừng là loài cây từ nhỏ đến nhỡ, chiều cao có thể lên tới 10-18m, có vỏ thân màu xám xanh và hoa màu vàng – lục, dạng chùm. Các tán lá cây dài khoảng 40 cm, xòe ra tạo thành một mặt phẳng. Vỏ thân hóa nâu và bị bóc thành các vẩy. Lá không lông, rộng chỉ 3 mm, dài 1,25 – 2 cm. Quả non màu xanh lục nhạt, khi chín màu đỏ gạch, đường kính 1,8 -2,5 cm.
Trên thế giới, quả Me rừng là nguyên liệu quan trọng trong bài thuốc giải độc cơ thể và hệ tiêu hóa cổ truyền và được sử dụng rộng rãi nhất trong y học cổ truyền Ấn Độ Ayurvedic và Unani (hay còn gọi y học của sự trường sinh). Theo văn bản cổ chính trên Ayurveda, Charaka Samhita và Sushruta Samhita, quả Me rừng được coi là tốt nhất trong số những trái cây chua. Ở Việt Nam, quả Me rừng có các tác dụng thúc đẩy cơ thể hấp thụ can xi, ngăn chuột rút trong kì kinh nguyệt, chữa tiểu đường, thúc đẩy tiêu hóa và chữa cao huyết áp. Ngoài những công dụng trên, quả Me rừng còn được sử dụng như một phương thuốc để hạ sốt, hỗ trợ điều trị rối loạn gan, khó tiêu, thiếu máu, các vấn đề tiết niệu, hô hấp khó khăn, lợi tiểu, chống nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa da, cải thiện sự thèm ăn đồng thời giúp tăng cân lành mạnh, v/v.
Trong những năm gần đây, các hợp chất phenolic là một lớp chất được đặc biệt quan tâm nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực sức khỏe và dinh dưỡng. Ưu điểm đặc trưng lớp chất phenolic này bởi hoạt động chống oxi hóa mạnh và khả năng chống lại sự hoạt động của các gốc tự do trong quá trình trao đổi chất, kháng ung thư, chống bệnh tim mạch và một số bệnh mãn tính khác. Các kết quả nghiên cứu về hoá học cho thấy quả me rừng giàu hợp chất phenolic. Đặc biệt có nhiều dẫn xuất của acid gallic như acid L- malic 2- O-gallate; acid mucic 2- O-gallate; acid mucic 1,4-lacton 2- O-gallate; acid mucic 1,4- lacton 5- O-gallate; acid mucic 1,4-lacton-3- O-gallate và acid mucic 1,4-lacton 3,5-di- O-gallate, vv đã được phân lập từ quả me rừng. Đã có nhiều công bố khẳng định cao chiết chứa các hợp chất phenolic và phenolic acid trong quả me rừng có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tăng chuyển hóa lipid, giảm lipid máu, giảm cholesterol và bảo vệ gan.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các dung môi chiết xuất khác nhau (metanol, etyl acetat, cồn 50 độ, cồn 70 độ và cồn 96 độ) và dựa trên tiêu chí đánh giá như hiệu suất, hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxi hoá, ức chế peroxide hoá lipid, tác dụng bảo vệ tế bào gan dưới tác động của CCl4. Qua thực nghiệm cho thấy cao cồn 96 độ từ quả me rừng thể hiện hoạt tính chống oxi hoá và bảo vệ gan tốt nhất, có hàm lượng lượng polyphenol cao đặc biệt các hợp chất mucic acid 3-O-gallate, mucic acid 2- O- gallate, mucic acid 1,4-lactone 3-O-gallate, glu-cogallin, mucic acid 1,4-lactone 2-O-gallate, gal-lic acid, mucic acid dimethyl ester 3-O-gallate, mucic acid 1,4-lactone 1-ethyl ester 2-O-gallate và quercetin. Cao cồn 96 độ từ quả me rừng đã được nhóm nghiên cứu loại tạp nhằm tăng hàm lượng polyphenol trong cao từ 387 mg GAE/g lên 432 mg GAE/g và tiến hành đánh giá độc tính cấp và tác dụng bảo vệ gan trước sự gây độc của CCl4 trên chuột. Cao chiết me rừng không độc (không xác định được LD50). Cao chiết me rừng ở ba liều 200, 500 và 1000 mg/ kgP/ngày đều thể hiện mức độ bảo vệ gan trên mô hình nghiên cứu. Trong đó, cao PE ở mức liều 500mg/kg/ngày thể hiện tác dụng bảo vệ gan gần tương đương với đối chứng silymarin thông qua việc làm giảm nồng độ AST, ALT, LDH, MDA, bilirubin và hạn chế tổn thương gan gây ra bởi CCl4 trên mô hình chuột nhắt trắng dòng BALB/c. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình tạo chế phẩm quả me rừng quy mô 3 kg nguyên liệu /mẻ, thu được 110 g sản phẩm / mẻ. Chế phẩm me rừng đã được xây dựng tiêu chuẩn cơ sở tại Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, được định hướng ứng dụng trong sản phẩm hoá dược hỗ trợ và điều trị các bệnh về gan. Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã bào chế thử nghiệm viên PHYLAMESIT từ quả me rừng với công dụng bảo vệ gan, giảm gan nhiễm mỡ, hỗ trợ giảm cholesterol và giảm cân.
Nhiệm vụ đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ chiết xuất tạo chế phẩm từ quả me rừng có tác dụng chống oxi hoá và bảo vệ gan. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã công bố 01 sáng chế, 01 bài quốc gia và hỗ trợ đào tạo 01 thạc sĩ về các kết quả nghiên cứu về hoá học và tác dụng sinh học của quả Me rừng. Đây là cơ sở phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ quả me rừng ở Việt Nam.
P.A.T. (Tổng hợp từ nguồn tin của Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)