Nghiên cứu sử dụng một số khoáng vật tự nhiên ở Việt Nam để chế tạo vật liệu quang xúc tác ứng dụng trong xử lý môi trường
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/12/2023 03:44
Cỡ chữ
Ứng dụng vật liệu xúc tác quang trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn, rêu mốc và hóa chất hữu cơ là hướng triển vọng của ngành khoa học công nghệ vật liệu mới.
Vì thế, từ năm 2019 đến năm 2021, PGS.TS. Phạm Xuân Núi đã phối hợp với các nhà khoa học tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sử dụng một số khoáng vật tự nhiên ở Việt Nam để chế tạo vật liệu quang xúc tác ứng dụng trong xử lý môi trường”.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: xác định những đặc tính hóa-lý và cấu trúc của khoáng tự nhiên halloysite và perlite, trên cơ sở đó chế tạo được vật liệu mới có hoạt tính quang xúc tác trong vùng ánh sáng tử ngoại (UV) và ánh sáng khả kiến (Vis); và vật liệu quang xúc tác tổng hợp, được sử dụng để loại bỏ các hợp chất hữu cơ khó phân hủy gây ô nhiễm trong điều kiện “mềm”. Và thiết lập mối tương quan giữa tâm hoạt động quang xúc tác với hợp chất hữu cơ ô nhiễm.
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Xác định được đặc tính cấu trúc của vật liệu halloysite, và perlite bằng các tính chất hóa lý đặc trưng (AAS, EDX, XRD, SEM...);
- Thu được halloysite tinh khiết có cấu trúc dạng ống;
- Thu được vật liệu Perlite sau khi biến tính;
- Các kết quả phân tích cấu trúc vật liệu rắn như XRD, EDX, Raman, FT-IR, TGA/DTA, SEM, TEM, UV-Vis- DRS, và đẳng nhiệt hấp phụ N2 theo BET;
- Các số liệu thực nghiệm bao gồm phổ đồ phân tích UV-Vis, HPLC, GC/MS;
- Phân tích và thiết lập sơ đồ mối tương quan giữa chất hữu cơ phân hủy và bản chất của chất xúc tác quang thu được từ kết quả thực nghiệm;
- Thiết lập mô hình xử lý một số hợp chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy sử dụng vật liệu quang xúc tác trong điều kiện mềm, sử dụng nguồn sáng UV và/hoặc ánh sáng khả kiến.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, cũng như các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19316/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)