Nghiên cứu quy định, thực tiễn quốc tế về điều tra thiệt hại trong một số vụ việc chống bán phá giá và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật
Cập nhật vào: Thứ sáu - 11/08/2023 00:02 Cỡ chữ
Theo quy định tại Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định Chống bán phá giá WTO (ADA), việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chỉ được thực hiện khi có hành vi bán phá giá, thiệt hại đáng kể/đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự, mối quan hệ nhân quả giữa hàng hoá nhập khẩu phá giá và thiệt hại. Do đó, bên cạnh việc phân tích phá giá thì đánh giá thiệt hại là một trong hai vấn đề chính của một vụ điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, lại chưa có nhiều đề tài nghiên cứu về nội dung này, một phần là do lĩnh vực này vẫn còn rất mới mẻ, mang tính đặc thù, rất kỹ thuật với Việt Nam. Vì vậy, việc tham khảo quy định pháp luật cũng như kinh nghiệm của các nước khác, đặc biệt là các nước/vùng lãnh thổ có bề dày kinh nghiệm điều tra chống bán phá giá, nằm trong tốp đầu các nước điều tra nhiều như Hoa Kỳ, Canada, Úc, EU, Ấn Độ cũng như các kết luận được đưa ra tại Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) là hết sức cần thiết.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu tại Cục Phòng vệ thương mại do ThS. Phạm Hương Giang dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quy định, thực tiễn quốc tế về điều tra thiệt hại trong một số vụ việc chống bán phá giá và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra của Việt Nam” vào năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: (i) đưa ra cách hiểu thống nhất về quy định của WTO đối với vấn đề điều tra thiệt hại; (ii) giới thiệu về quy định, kinh nghiệm của Việt Nam về điều tra thiệt hại; (iii) tham khảo quy định, thực tiễn điều tra của một số nước có kinh nghiệm nhằm rút ra bài học cho Việt Nam.
Thông qua việc nghiên cứu quy định pháp luật của Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Ấn Độ là những nước có quy định lâu đời và có nhiều kinh nghiệm trọng việc điều tra thiệt hại trong vụ việc chống bán phá giá (CBPG), qua đó đề xuất các bài học cho Việt Nam trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, giám sát phát hiện vấn đề, bố trí tổ chức và phối hợp giữa các cơ quan liên quan cũng như kiến nghị điều kiện thực hiện để góp phần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, thực tiễn thực hiện trong điều tra thiệt hại trong các vụ việc CBPG.
Đề tài góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu về pháp lý và kinh nghiệm, thực tiễn về điều tra thiệt hại trong vụ việc CBPG của các nước trên thế giới; góp phần giúp các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách của nhà nước trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật về điều tra thiệt hại trong vụ việc CBPG và áp dụng trong thực tiễn trong thời gian tới. Đồng thời kết quả nghiên cứu đề tài góp phần đưa ra khuyến nghị trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật điều tra thiệt hại trong các vụ việc CBPG tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18680/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)