Nghiên cứu phát triển thử nghiệm nền tảng AI mở trong chính phủ điện tử
Cập nhật vào: Thứ ba - 16/05/2023 11:36 Cỡ chữ
Chính phủ điện tử là khái niệm đã được nhiều tổ chức quốc tế đưa ra từ những năm 2000 nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ trong khu vực công và cải thiện mối quan hệ giữa Chính phủ - Người dân. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chính phủ Điện tử hướng tới Chính phủ Số. Về mức độ trưởng thành của Chính phủ điện tử, Việt Nam đã phân tích, lựa chọn mô hình phát triển của Gartner làm tham chiếu chính, trong đó, giai đoạnh chính phủ số lấy công nghệ Trí tuệ nhân tạo làm công nghệ cốt lõi.
Do đó, Trí tuệ nhân tạo (AI) là xu hướng tất yếu, là điều kiện tiên quyết để tiến tới chính phủ số. Vì vậy, việc nghiên cứu nền tảng AI mở cho chính phủ điện tử giai đoạn này là phù hợp. Đó là lý do năm 2020, ThS. Hoàng Mạnh Thắng cùng các cộng sự tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển thử nghiệm nền tảng AI mở trong chính phủ điện tử”.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu nghiên cứu đề xuất một Nền tảng AI mở cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền tảng này được thử nghiệm và đánh giá cho một số ứng dụng/dịch vụ tại Việt Nam.
Các nội dung đạt được cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra của đề tài, trong một số kết quả nổi bật như sau:
- Đã có báo cáo phân tích khoa học, khái quát về vai trò, vị trí của AI đáp ứng nhu cầu cũng như xu hướng của Chính phủ Điện tử, hướng tới Chính phủ Số.
- Đã có một nền tảng AI mở với các chức năng cơ bản, đã thử nghiệm thành công với ứng dụng phân loại thông tin phản ánh hiện trường của người dân.
- Đã đào tạo được đội ngũ với kiến thức, kỹ năng cả về nền tảng AI và các Backend thực hiện các tác vụ AI cụ thể.
- Ứng dụng nhận dạng chứng minh thư/căn cước công dân có thể triển khai cung cấp được API cho các ứng dụng công nghệ thông tin khác của chính phủ điện tử.
Việc nghiên cứu phát triển thử nghiệm một nền tảng AI mở trong Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam có ý nghĩa rất lớn nhằm thúc đẩy phát triển nền tảng chung quốc gia; giải quyết thực tế những vấn đề mà Chính phủ điện tử đang gặp phải; và chứng minh vai trò của công nghệ, hướng tới quá trình chuyển đổi lên Chính phủ số.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18371/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)