Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành giao thông vận tải chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cập nhật vào: Thứ hai - 01/08/2022 13:00 Cỡ chữ
Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ. Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp mới này, sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của các quốc gia trên khắp toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Các yêu cầu cơ bản về đổi mới toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0
Ở Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ tác động sâu sắc đến tất cả các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành Giao thông vận tải. Trong mỗi ngành, lĩnh vực hiện nay, con người là yếu tố quyết định và sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của cuộc cạch mạng công nghệ mới này. Một số báo cáo về thị trường lao động đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả các lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là kỹ năng sáng tạo. Trước thực tế nguồn nhân lực của ngành GTVT, cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo thiếu việc làm và thất nghiệp ngày càng trở nên lớn hơn. Chính vì vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực Việt Nam nói chung, ngành GTVT nói riêng phải thay đổi mạnh mẽ, người lao động cần nhiều kỹ năng hơn để đảm nhận các vai trò, quản lý, sản xuất.
Theo các chuyên gia, để phát huy được sự sáng tạo của mỗi lao động, không còn cách nào khác là phải cải cách, thay đổi ngay và toàn diện. Bởi sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là thách thức hiện hữu đối với lao động Việt Nam. Kỷ nguyên công nghệ số mang đến những cơ hội đột phá về năng suất, phát triển nhân lực công nghệ cao.
Với ngành Giao thông vận tải hiện nay, nguồn nhân lực cũng còn những tồn tại không nhỏ: Tỷ lệ nhân lực ngành GTVT được đào tạo về chuyên môn có điều kiện được tiếp cận với trình độ quản lý, trình độ chuyên môn tiên tiến trên thế giới còn thấp; cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa phù hợp, số cán bộ, công chức được đào tạo về kỹ thuật nhiều hơn số cán bộ, công chức được đào tạo về nghiệp vụ quản lý; số cán bộ, công chức có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí công tác không nhiều, tỷ lệ cán bộ trẻ còn thấp, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều giữa Trung ương và địa phương, không đồng đều giữa các địa phương; một số chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp.
Từ thực tế trên cho thấy, việc nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Giao thông vận tải chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề cấp thiết hiện nay. Với ý nghĩa quan trọng đó Cơ quan chủ trì Trường Cán bộ Quản lý Giao thông Vận tải cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Dương Thị Hòa thực hiện “Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực chất lƣợng cao ngành Giao thông vận tải chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” làm đề tài nghiên cứu” với mục tiêu: Đánh giá xu thế tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu và trình độ của nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, sản xuất kinh doanh của ngành GTVT; Đề xuất phương hướng, giải pháp có tính khả thi nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Giao thông vận tải chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Dự thảo Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Giao thông vận tải chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cách mạng công nghiệp (CMCN) bắt đầu ở nước Anh từ nửa cuối của thế kỷ 18. Đến nay, đã có sự nhìn nhận thống nhất về ba cuộc cách mạng công nghiệp đã xảy ra, mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất và sự thay đổi này được tạo ra bởi các đột phá của khoa học và công nghệ.
Nếu cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, thì cuộc cách mạng lần thứ hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Còn cuộc cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Và cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại được "nảy nở" từ cuộc cách mạng lần thứ ba, kết hợp các công nghệ với nhau, Internet kết nối vạn vật, sử dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng robot trong sản xuất… làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Giao thông vận tải (GTVT) là ngành có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, môi trường văn hóa xã hội của cộng đồng rất cao vì vậy tác động của các cuộc cách mạng công nghiệp đối với các lĩnh vực của ngành GTVT rất nhanh chóng và mạnh mẽ.
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra lại tiếp tục bổ sung thêm khái niệm “Dòng tri thức và văn hóa” ngoài “Dòng hàng hóa và nhân lực”; “Dòng tài chính và công nghệ” xuyên quốc gia. Các khái niệm trên thể hiện mức độ tập trung và yêu cầu chuyển dịch của của cải vật chất, nguồn tài chính, trình độ công nghệ, tri thức và văn hóa là những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội bên cạnh yếu tố quyết định là nguồn nhân lực. Thực tế trong lịch sử và chiều dài phát triển đã chứng minh, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực. Con người tạo ra công nghệ nhưng ứng dụng công nghệ lại tạo ra sự thay đổi về năng lực cạnh tranh của công ty và đi kèm với nó là cấu trúc lực lượng lao động.
Qua việc nghiên cứu về Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành giao thông vận tải chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề tài đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, nghiên cứu tổng quan về bối cảnh hình thành và tác động của cuộc CMCN 4.0 trên thế giới và Việt Nam
Thứ hai, đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đến sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu và trình độ của lực lượng lao động của ngành GTVT trên thế giới và ở Việt Nam
Thứ ba, đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực hoạt động của ngành GTVT Việt Nam khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ tư, Dự thảo Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành GTVT chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17295/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)