Nghiên cứu phát triển hệ thống quan trắc tự động và xử lý môi trường nước nuôi tôm bằng phương pháp kết hợp UV - Điện từ trường - Ozone và phương pháp sinh học
Cập nhật vào: Thứ sáu - 04/11/2022 02:02 Cỡ chữ
Nghề nuôi tôm nước lợ phát triển khá mạnh ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua kể cả về diện tích và sản lượng nuôi, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của đất nước, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các nông hộ ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại các điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép) làm cho dịch bệnh phát triển, gây chết tôm nuôi, giảm sản lượng tôm thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, PGS. TS. Phạm Ngọc Tuấn tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển hệ thống quan trắc tự động và xử lý môi trường nước nuôi tôm bằng phương pháp kết hợp UV - Điện từ trường - Ozone và phương pháp sinh học” từ năm 2017 đến năm 2019.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nhằm quan trắc tự động và xử lý ô nhiễm đảm bảo cho môi trường nước nuôi tôm đạt được các tiêu chí chất lượng đã xác định, đặc biệt cho nuôi tôm xuất khẩu; nghiên cứu xác định các tiêu chí chất lượng môi trường nước nuôi tôm - đảm bảo sản phẩm (con tôm) đạt tiêu chuẩn chất lượng để được các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ, cho phép nhập khẩu vào các nước này.
Đề tài đã đạt được mục tiêu theo như đăng ký, cụ thể như sau:
- Hoàn thành thiết kế, chế tạo 01 hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước nuôi tôm đảm bảo tất cả các tiêu chí cần giám sát theo QCVN 02- 19:2014/BNNPTNT về quy định chất lượng nước ao nuôi tôm.
- Hoàn thành thiết kế, chế tạo 01 hệ thống xử lý môi trường nước nuôi tôm đảm bảo chất lượng theo quy định của QCVN 02-19:2014/BNNPTNT.
- Triển khai thử nghiệm và đánh giá hệ thống quan trắc tự động và xử lý môi trường nước nuôi tôm tại 02 cơ sở nuôi tôm ở Huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.
Đề tài đã thực hiện các nội dung và hoàn thành các sản phẩm về số lượng và chất lượng như đã đăng ký, bao gồm:
- 01 hệ thiết bị xử lý nước cấp bằng phương pháp kết hợp UV - Điện từ trường - Ozone được có khả năng diệt khuẩn và đảm bảo mật độ vi khuẩn cho phép trước khi cấp vào ao nuôi.
- 01 thiết bị hút chất thải có chức năng loại bỏ chất thải rắn trong ao nuôi tôm có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp truyền thống hiện nay.
- 01 hệ thiết bị xử lý nước thải có khả năng xử lý nước thải từ ao nuôi tôm đạt chuẩn theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT về quy định chất lượng nước thải từ ao xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
- 01 hệ thống quan trắc tự động các chỉ tiêu chất lượng môi trường nước nuôi tôm có chức năng giám sát, cảnh báo tự động các chỉ tiêu chất lượng nước theo quy định của QCVN 02-19: 2014/BNNPTNT về chất lượng nước ao nuôi tôm.
- 01 phần mềm quan trắc môi trường nước nuôi tôm có chức năng hiển thị các chỉ tiêu chất lượng môi trường nước nuôi tôm và khuyến cáo cho người nuôi tôm các giải pháp xử lý môi trường khi có kết quả quan trắc bất thường.
- 01 phần mềm quản lý quá trình nuôi tôm, có chức năng giám sát và quản lý toàn bộ quá trình nuôi tôm. Phần mềm này sẽ giúp người nuôi tôm quản lý tình hình trang trại và quá trình sản xuất thuận tiện, đơn giản hơn. Ngoài ra, phần mềm sẽ góp phần hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo các tiêu chí theo tiêu chuẩn chứng nhận áp dụng trong nuôi tôm.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17720/2018) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)