Nghiên cứu nâng cao năng suất và sử dụng có hiệu quả nguồn gen của gà Lông Xước
Cập nhật vào: Thứ ba - 15/10/2024 00:07 Cỡ chữ
Các giống gà bản địa Việt Nam có chất lượng thịt và trứng thơm ngon, tự kiếm ăn tốt, thích ứng với điều kiện chăn thả của các vùng sinh thái khác nhau. Theo số liệu thống kê, hiện nay gà Lông Xước thuần chủng phân bố tại các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang còn rất ít hoặc đã bị lai tạp với các giống gà khác nên có nguy cơ dần mất đi nguồn gen quý của giống gà bản địa này. Mặc dù, gà Lông Xước có trọng lượng cơ thể không lớn do chưa có sự quan tâm đầu tư các biện pháp trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng, phương thức chăn nuôi vẫn còn lạc hậu; khả năng cho thịt không cao nhưng chất lượng thịt, trứng thơm ngon, dễ nuôi trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam; có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để chăn nuôi gà Lông Xước như: cám gạo, thóc, ngô, đậu tương....
Sau quá trình điều tra sơ bộ về sự phân bố, đặc điểm ngoại hình của gà Lông Xước và bước đầu đã có báo cáo về đặc điểm của giống gà này vào năm 2005 của Viện Chăn nuôi và năm 2015 của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Từ đó đến nay, chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất, các quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và sử dụng có hiệu quả nguồn gen gà Lông Xước tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế trên, PGS.TS. Lê Minh cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nâng cao năng suất và sử dụng có hiệu quả nguồn gen của gà Lông Xước” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu chọn được đàn gà Lông Xước có đặc điểm ngoại hình đặc trưng, cải thiện được năng suất nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sau khi điều tra bổ sung, đánh giá hiện trạng tình hình chăn nuôi gà Lông Xước tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhóm nghiên cứu đã chọn lọc và xây dựng đàn hạt nhân gà Lông Xước. Cụ thể:
- Lúc 01 ngày tuổi, gà con có lông màu nâu nhạt hoặc vàng nâu, có sọc nâu đậm ở đầu và dọc lưng. Lúc 8 tuần tuổi con trống có màu vàng sẫm hoặc màu vàng đỏ, con mái có lông màu nâu hoặc vàng nâu, con trống và con mái có lông xước ngược toàn thân. Lúc 20 tuần tuổi, con trống lông màu đỏ tía hoặc vàng sẫm, con mái lông màu lá chuối khô hoặc vàng nâu; con trống và con mái có lông xước ngược toàn thân.
- Khối lượng cơ thể trung bình gà Lông Xước đàn hạt nhân lúc 8 tuần tuổi đạt 767,36 g/con trống và 640,50 g/con mái; 20 tuần tuổi, con trống đạt 1.869,80 g/con, con mái đạt 1.638,67 g/con.
- Tuổi đẻ quả trứng đầu tiên từ 141 ngày; đạt 5% ở 150 ngày; đạt đỉnh cao lúc 230 ngày với năng suất trứng bình quân/mái/năm đạt 83,92 quả; tỷ lệ trứng giống đạt 90,99%; tỷ lệ trứng có phôi đạt 91,18%; tỷ lệ nở/trứng có phôi đạt 88,46%; tỷ lệ gà loại I/số gà nở ra còn sống đạt 94,63%.
Sau đó, các tác giả đã xây dựng đàn sản xuất gà Lông Xước, trong đó:
- Gà được tuyển chọn đưa vào mô hình có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống và tương đối ổn định qua 3 thế hệ chọn lọc. Khối lượng cơ thể lúc 20 tuần tuổi đạt 1.559,42 g/con mái và 1.843,19 g/con trống. Tuổi đẻ quả trứng đầu tiên lúc 142 ngày; năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi đạt 75,60 quả; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 5,99 kg; tỷ lệ trứng có phôi đạt 91,11%; tỷ lệ nở đạt 87,60%, tỷ lệ gà loại I/số gà nở ra còn sống đạt 94,68%.
- Đã xây dựng được 01 Tiêu chuẩn cơ sở đàn sản xuất gà Lông Xước.
Cuối cùng, quy trình chăn nuôi gà Lông Xước sinh sản đã được xây dựng. Gà Lông Xước sinh sản phù hợp nuôi với cả 3 phương thức: nhốt, bán chăn thả và thả vườn. Mật độ nuôi thích hợp ở giai đoạn sinh sản là 5 con/m2; định mức ăn bằng 110% mức ăn của gà Ri thích hợp nhất cho gà Lông Xước hậu bị sinh trưởng và phát triển. Ở giai đoạn sinh sản, khẩu phần thức ăn có mức protein và năng lượng thích hợp nhất là 17% và 2.800 Kcal.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20241/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)