Nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng tư liệu viễn thám trong quan trắc biến động chất lượng nước hồ: lấy ví dụ Hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)
Cập nhật vào: Thứ hai - 27/07/2020 00:02 Cỡ chữ
Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do TS. Nguyễn Thị Thu Hà làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng tư liệu viễn thám trong quan trắc biến động chất lượng nước hồ: lấy ví dụ Hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)” từ năm 2014 đến năm 2017.
Đề tài nhằm xác định mối quan hệ giữa hàm lượng chlorophyll-a (thông số đánh giá mức độ phú dưỡng của môi trường nước) trong nước các hồ nội địa với các thông số quang học của ảnh vệ tinh (giá trị phổ thu được từ các kênh phổ, tỷ số kênh phổ) để xây dựng các thuật toán tính toán thông số này phù hợp với điều kiện thực tế của từng hồ cụ thể; Áp dụng các thuật toán này trong giám sát chỉ số phú dưỡng của các hồ nội địa (hồ Ba Bể, các hồ nội thành Hà Nội).
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Xây dựng được thuật toán tính toán hàm lượng chlorophyll-a trong nước các hồ siêu phú dưỡng (các hồ nội thành Hà Nội) dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu đồng thời giữa đo phổ mặt nước, phân tích mẫu nước và thời điểm chụp ảnh vệ tinh. Kết quả của thuật toán cho thấy thuật toán có sai số thấp (dưới 10%) khi áp dụng vào giám sát hàm lượng chlorophyll-a ở Hồ Tây và phù hợp với hiện tượng tảo nở hoa xảy ra ở một số vùng nước của hồ vào các thời điểm trong năm;
- Giám sát được sự biến động thông số chlorophyll-a theo mùa và theo chuỗi nhiều năm trong môi trường nước hồ Ba Bể qua đó phản ánh sự giàu có về mặt sinh thái và hiện trạng quản lý tốt môi trường nước của hồ này trong những năm qua;
- Bước đầu thử nghiệm tính toán và giám sát hàm lượng chlorophyll-a trong nước sử dụng dữ liệu ảnh Sentinel-2A;
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15212) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)