Nghiên cứu lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong hệ thống pháp luật chuyên ngành
Cập nhật vào: Thứ tư - 25/10/2023 00:41 Cỡ chữ
Trong bối cảnh sức ép lên môi trường ngày càng gia tăng từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc nghiên cứu lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) vào hệ thống pháp luật chuyên ngành là rất cấp thiết. Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến tích hợp các vấn đề liên quan đến tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu vào các chính sách, văn bản pháp luật: tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tích hợp lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tại vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh, các ngành, lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất…
Tuy nhiên, các nghiên cứu công bố liên quan đến nội dung nghiên cứu về vấn đề lồng ghép yêu cầu BVMT vào các văn bản pháp luật của Việt Nam nói chung và hệ thống pháp luật chuyên ngành nói riêng còn tương đối hạn chế, mặc dù, yêu cầu nội dung BVMT phải xem xét trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được quy định tại Luật BVMT (2005 và 2014, sửa đổi 2020). Đây là vấn đề mang lại cả ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trong vấn đề BVMT. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Mai Thanh Dung tại Viện Chiến Lược, Chính Sách Tài Nguyên Và Môi Trường đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong hệ thống pháp luật chuyên ngành” là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất nội dung và bộ tiêu chí đánh giá yêu cầu BVMT cần được lồng ghép trong hệ thống pháp luật chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật BVMT từ năm 2018 đến năm 2020.
Đề tài đã nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn lồng ghép yêu cầu BVMT trong hệ thống pháp luật chuyên ngành đầu tư, xây dựng, địa chất - khoáng sản, đất đai và khoa học công nghệ. Trên cơ sở nhận diện các bất cập về quy định BVMT trong 05 hệ thống pháp luật chuyên ngành, từ đó xác định được những nội dung cơ bản về BVMT cần phải được đưa vào các hệ thống pháp luật chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất, bổ sung các quy định liên quan tới BVMT trong các chuyên ngành cụ thể, khắc phục các hạn chế, bất cập, cũng như sự thiếu hụt các quy định BVMT đặc thù với các ngành.
Đề tài cũng đã nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá lồng ghép yêu cầu BVMT trong các hệ thống pháp luật chuyên ngành để phục vụ cho việc đánh giá khả năng và xác định các nội dung của pháp luật chuyên ngành cần có sự lồng ghép yêu cầu BVMT và xây dựng hướng dẫn kĩ thuật để hướng dẫn cho các nhà hoạch định trong việc lồng ghép yêu cầu BVMT trong các hệ thống pháp luật chuyên ngành. Tiến hành thử nghiệm lồng ghép yêu cầu BVMT trong lĩnh vực pháp luật đất đai trên cơ sở áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài và đề xuất kế hoạch lồng ghép yêu cầu BVMT trong các hệ thống pháp luật chuyên ngành trong thời gian tới.
Đề tài sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện yêu cầu BVMT trong hệ thống pháp luật chuyên ngành thông qua việc phát hiện các hạn chế, bất cập, thiếu hụt trong quy định hiện hành của pháp luật chuyên ngành với vấn đề BVMT và đề xuất các nội dung yêu cầu BVMT cần được lồng ghép trong hệ thống pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là với pháp luật về đầu tư, xây dựng, khoa học và công nghệ, đất đai, địa chất - khoáng sản. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng sẽ cung cấp các luận cứ, cơ sở khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nói chung, cũng như mở ra hướng nghiên cứu để lồng ghép yêu cầu BVMT cụ thể với các pháp luật chuyên ngành khác.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19078/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)