Nghiên cứu khả năng tận dụng khí và nhiệt thải các nhà máy hóa chất, thép trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai để phát điện
Cập nhật vào: Thứ năm - 27/01/2022 01:38
Cỡ chữ
Việt Nam là một trong những nước có cường độ sử dụng năng lượng lớn nhất trong khu vực Đông Á, hệ số đàn hồi về điện năng (tăng trưởng tiêu thụ điện/tăng trưởng GDP) xấp xỉ 2. Đây là mức rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực (các nước phát triển thường có hệ số đàn hồi năng lượng nhỏ hơn 1).
Tổng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam cũng đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua. Các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, khoảng 46,4% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. Tăng trưởng công nghiệp là yếu tố chính làm cho cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với các nước trên thế giới. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp có lợi nhất về mặt kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, giúp đối phó với việc tăng giá và giảm chi phí cho người sử dụng năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Với việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) và các đề án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ, đến nay, Việt Nam đã từng bước tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ trên phạm vi toàn quốc… Ước tính, trong giai đoạn 2011 - 2015, mức năng lượng tiết kiệm ở Việt Nam đạt gần 6% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, đây là con số rất có ý nghĩa, bởi nếu không có tiết kiệm này phải xây dựng thêm những nhà máy điện mới có thể bù đắp được lượng điện thiếu hụt.
Nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như mục tiêu giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới xây dựng dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp tại Việt Nam”, gọi tắt là Dự án VEEIEs để triển khai hỗ trợ việc xây dựng dự án đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.
Khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai được quy hoạch phát triển với quy mô ban đầu 269 ha, hiện nay KCN Tằng Loỏng có tổng diện tích mặt bằng theo quy hoạch 1.100 ha. Các lĩnh vực công nghiệp chính ở KCN này là sản xuất hóa chất và luyện kim, với 26 nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim đã đi vào hoạt động. Do khó khăn về nguồn vốn nên hạ tầng của KCN này hiện chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ. Trong khi đó, lượng phát thải khí thải, nước thải, chất thải rắn từ các nhà máy hàng ngày đang tích lũy và sự cộng hưởng các tác động đến môi trường đã và đang ngày một lớn hơn, khiến mức ô nhiễm môi trường của khu vực Tằng Loỏng luôn vượt giới hạn cho phép đặc biệt là với môi trường không khí.
Những năm qua, KCN Tằng Loỏng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Phát triển khu công nghiệp với mục tiêu tập trung các cơ sở sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, tập trung các nguồn phát thải ô nhiễm vào một khu vực nhất định để dễ xử lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả quản lý nguồn thải và bảo vệ môi trường.
Trong KCN này, hiện nay hai nhà máy là Công ty Cổ phần Hóa Chất Đức Giang - Lào Cai và nhà máy Thép Việt Trung đang thực hiện việc tận dụng khí thải trong quá trình sản xuất để sấy nguyên liệu trong các khâu của quá trình sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, việc tận dụng vẫn chưa triệt để và lượng khí thải hiện đang đốt phóng không ra ngoài môi trường rất lớn và lãng phí. Theo đặc tính của khí, lượng khí thừa hiện nay vẫn có khả năng thu hồi, tận dụng để phát điện. Do đó, các doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm giải pháp để tận dụng triệt để lượng khí này. Tiềm năng tận dụng khí thải để phát điện phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng và thành phần khí thải, loại hình thiết bị, điều kiện cơ sở hạ tầng... và sẽ được nghiên cứu trong đề tài này để từ đó xác định được tiềm năng và các ích lợi thu được từ việc tận dụng các loại khí thừa trong quá trình sản xuất.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ Công Thương đã giao Viện Năng lượng là Cơ quan chủ trì cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trịnh Hoàng Long thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu khả năng tận dụng khí thải các nhà máy hóa chất, thép trong KCN Tằng Loỏng Lào Cai để phát điện” nhằm nghiên cứu khả năng tận dụng khí thải của các nhà máy thép và hóa chất để phát điện, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động về nguồn điện cung cấp cho sản xuất của các nhà máy. Với mục tiêu tận dụng khí thải của các nhà máy thép và hóa chất để phát điện, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động về nguồn điện cung cấp cho sản xuất của các nhà máy.
Với thời gian thực hiện 18 tháng, Nhiệm vụ “Tận dụng khí thải của các nhà máy thép và hóa chất để phát điện, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động về nguồn điện cung cấp cho sản xuất của các nhà máy” đã được thực hiện đầy đủ các nội dung đã đăng ký và kết quả thực hiện của đề tài đã được đăng tại Tạp chí Khoa học và Công nghệ của Bộ Công Thương số tháng 10/2019.
Với kết quả khảo sát ở 02 nhà máy được chọn cho thấy tiềm năng tái sử dụng nhiệt thải và khí thải để phát điện là rất lớn và các doanh nghiệp này cũng đang rất nỗ lực trong công tác tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, đã và đang tìm kiếm cơ hội để tận dụng toàn bộ lượng khí thải, nhiệt thải trong các công đoạn sản xuất để sử dụng cho các quá trình khác trong quy trình sản xuất như tái sấy nguyên liệu, chưng cất nguyên liệu (đối với các nhà máy hoá chất). Tuy nhiên, vẫn còn một phần khí thải chưa tận dụng hết hiện đang được thải bỏ ra ngoài môi trường gây lãng phí nguồn năng lượng và làm gia tăng ô nhiễm không khí và lượng khí nhà kính thải ra.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16872/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)