Nghiên cứu khả năng kiểm soát đường huyết từ dịch chiết cây lô hội qua hình thức dung nạp thức ăn trong điều trị bệnh tiểu đường
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/03/2023 00:06 Cỡ chữ
Từ năm 2020 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu của TS. Đỗ Thị Việt Hương tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu khả năng kiểm soát đường huyết từ dịch chiết cây lô hội qua hình thức dung nạp thức ăn trong điều trị bệnh tiểu đường”.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu: Nghiên cứu hóa thực vật của cây lô hội được gieo trồng tự nhiên ở Việt Nam bằng các phương pháp hóa học hiện đại; phát hiện các hợp chất có nguồn gốc từ thiên nhiên có tác dụng trong điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, đóng góp cho ngành công nghiệp chế biến dược phẩm và thực phẩm chức năng một dược liệu quý.
Bằng phương pháp sắc ký cột thường với các vật liệu pha tĩnh khác nhau, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 8 hợp chất hoá học từ cặn chiết methanol của phần gel cây lô hội (Aloe vera L. var. chinensis Haw. Berg.) được trồng ở tỉnh Nam Định, Việt Nam; cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng phương pháp phổ khối lượng - MS và cộng hưởng từ hạt nhân - NMR: Aloe emodin, Emodin, 2-hydroxy-1- methoxy-anthraquinone, 1,6-dihydroxy-2-methyl- anthraquinone and Kaempferol 3-O-α-Larabinofuranoside, Kaempferol 3-O-gentibioside, β-amyrin, Ursolic acid.
Thử nghiệm in-vivo trên chuột bị gây bệnh tiểu đường type 2 cho thấy, sau 22 ngày điều trị bằng cặn chiết methanol từ gel lô hội, cho thấy chỉ số đường huyết của chuột bị gây bệnh tiểu đường type 2 có thay đổi theo chiều hướng tích cực; chỉ số đường huyết của chuột giảm 59,95% và trọng lượng cơ thể giảm 7,7% so với ngày đầu điều trị, đồng thời cặn chiết methanol từ gel lô hội cũng thể hiện khả năng phục hồi tổn thương gan trên chuột bị bệnh thông qua quan sát hình ảnh gan và mô gan vi thể (40x); các tổn thương đã giảm đi tuy nhiên, bề mặt gan vẫn còn sần sùi.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18144/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)