Nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế về thu hút đầu tư nước ngoài và đề xuất cho lĩnh vực ICT ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 13/06/2023 11:30 Cỡ chữ
Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, luồng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu đang giảm trong 3 năm liên tiếp, từ 1,75 nghìn tỷ USD năm 2016 xuống còn 1,5 nghìn tỷ USD năm 2017 và 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2018. Sự sụt giảm này được cho rằng có tác động rất lớn từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất và cung cấp dịch vụ qua biên giới. Doanh nghiệp đa quốc gia có thể cung cấp trực tiếp hàng hóa và dịch vụ qua biên giới mà không cần đầu tư trụ sở vật lý ở các quốc gia. Ngoài ra cũng có các yếu tố khác như chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp thương mại giữa các cường quốc. Tuy nhiên, chuyển đổi số được cho là yếu tố tác động hàng đầu tới FDI toàn cầu.
Mặc dù, luồng tiền FDI toàn cầu giảm nhưng FDI của khu vực Đông Nam Á trong những năm vừa qua lại đang tăng trưởng rất tốt. Một điều thú vì là sự tăng trưởng này lại là do tác động của kinh tế số. Theo báo cáo của Ban thư ký ASEAN thì trong 3 năm liên tiếp từ 2016 - năm 2018, luồng đầu tư FDI của ASEAN tăng từ 123 tỷ USD năm 2016 lên 147 tỷ USD năm 2017 và lên 155 tỷ USD vào năm 2018.
Sự tăng trưởng này bắt nguồn từ việc tăng mạnh đầu tư vào chuyển đổi số mà căn bản là các lĩnh vực liên quan tới ICT, bao gồm thương mại điện tử, fintech và các hoạt động đầu tư khác vào Trung tâm dữ liệu, AI, sản xuất IoT và hạ tầng ICT… Để tận dụng cơ hội tăng trưởng FDI từ chuyển đổi số, các quốc gia Đông Nam Á đang xác định các khuôn khổ hợp tác để tăng cạnh tranh thu hút đầu tư FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài và cả doanh nghiệp trong khu vực, tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ICT, thương mại điện tử, tạo thuận tiện cho việc kết nối số, thông qua ký kết Hiệp định về thương mại điện tử trong ASEAN và việc áp dụng Khung tích hợp số ASEAN để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi của khu vực trở thành một trung tâm số toàn cầu.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ hợp tác quốc tế cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Thanh Tú thực hiện “Nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế về thu hút đầu tư nước ngoài và đề xuất cho lĩnh vực ICT ở Việt Nam” với mục tiêu: Nghiên cứu kinh nghiệm về thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ICT nói riêng của các nước trên thế giới và khu vực từ đó đề xuất về chính sách hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ICT cho Việt Nam.
Bức tranh tổng thể cho thấy Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định trong thu hút đầu tư nước ngoài, nền chính trị ổn định, sự tin cậy của nhà đầu tư, nguồn nhân lực phổ thông dồi dào, đi kèm với chính sách ưu đãi về thuế, đất... Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động và tạo sức hút các nhà đầu tư mới đang tìm địa điểm đầu tư.
Bên cạnh cơ hội Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều thách thức và hạn chế như cả khách quan và chủ quan.
Về khách quan, nguy cơ gia tăng những dòng đầu tư dịch chuyển kém chất lượng với công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường; đại dịch Covid- 19 kéo dài và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến kế hoạch dịch chuyển của các công ty đa quốc gia; Cạnh tranh thu hút ĐTNN giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid sẽ ngày càng gay gắt do nguồn cung ĐTNN giảm trong khi nhu cầu thu hút ĐTNN phục hồi kinh tế gia tăng.
Về chủ quan, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistic chưa cao; rất ít doanh nghiệp ĐTNN thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), năng lực hấp thụ chuyển giao công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước ở mức thấp; thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ, những lĩnh vực công nghiệp mới; Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất.
Việt Nam đang có cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng Trung Quốc +1 mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tăng cường liên kết và tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới.
Ngành công nghiệp ICT vẫn đang là ngành dẫn đầu và có tiềm năng lớn về thu hút FDI. Lượng vốn lớn FDI trong lĩnh vực điện tử vẫn sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong khi, chuyển đổi số sẽ là động lực tăng trưởng thu hút đầu tư mới của Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ số là trụ cột phát triển kinh tế của Việt Nam, liên doanh liên kết, thu hút R&D từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu đảm bảo thu hút công nghệ cao, hiệu quả và bền vững là hướng đi mới cho thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực ICT tại Việt Nam.
Căng thẳng thương mại giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng và tác động của đại dịch Covid-19 còn kéo dài, khiến các quốc gia trên thế giới đang phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nhằm vừa thu hút dòng tiền FDI vừa hạn chế những bất cập mà FDI mang lại như thâm hụt lao động, ô nhiễm môi trường v.v…
Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới, sáng tạo và kinh tế số. Các quốc gia đang phát triển nếu kịp thời nắm bắt được những xu hướng mới, đầu tư thích đáng và hiệu quả cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18431/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)