Nghiên cứu hoàn thiện quy định về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ để thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất
Cập nhật vào: Thứ tư - 11/09/2024 00:08 Cỡ chữ
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có tiềm năng và lợi thế trong mở cửa, hội nhập quốc tế, trong đó ngành nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Nông nghiệp không những đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị. Nhờ đó góp phần giải quyết vấn đề sinh kế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Vượt qua nhiều thử thách bất thuận về thiên tai cũng như thị trường, năm 2017, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với chính phủ đề ra là 2,84%, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 36,37 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016 (Bộ Nông nghiệp & PTNT, 2018). Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa bền vững, sự tăng trưởng chủ yếu dựa trên các yếu tố về lượng hơn là chất. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và phụ thuộc cả vào hóa chất. Bên cạnh đó, nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn còn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, phương pháp sản xuất truyền thống, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao và khả năng cạnh tranh còn thấp.
Chính sách đất đai đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam đã được thể chế hóa trong các quy định về người sử dụng đất và các quyền của người sử dụng đất trong Luật đất đai 2013 và các văn bản dưới luật, trong đó chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) được khuyến khích nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên thực tế hiện nay việc thực hiện chuyển QSDĐ vẫn còn một số hạn chế: Tình trạng manh mún ruộng đất cản trở đáng kể đối với quá trình hiện đại hóa nông nghiệp; không đáp ứng yêu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn; thị trường QSDĐ nông nghiệp nói chung, thị trường cho thuê QSDĐ đất nói riêng vẫn chưa phát triển do hạn chế về quy mô thửa ruộng, chi phí giao dịch cao. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn khó khăn do quy hoạch chưa rõ ràng, kế hoạch sử dụng đất nhiều nơi chưa phù hợp; chưa có quy định rõ ràng về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nên việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn còn gặp rất nhiều khó khăn…
Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên là các thành phố, tỉnh, kinh tế phát triển nhanh và mạnh trong thời gian gần đây. Giá đất nông nghiệp ngày càng tăng cao, người nông dân không muốn chuyển nhượng QSDĐ, tâm lý giữ đất vẫn phổ biến. Vì vậy, cần thiết có những quy định pháp luật nhằm khuyến khích việc chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng QSDĐ nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sử dụng nguồn lao động tại chỗ phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy định về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ để thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất” do Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Hồng Hạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học tài nguyên và môi trường Hà Nội thực hiện với mục tiêu: Nghiên cứu cơ sở khoa học về chuyển quyền sử dụng đất và chủ trương tích tụ ruộng đất; Đề xuất nâng cao việc thực hiện quy định chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp góp phần thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Vùng đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) có diện tích tự nhiên là 2.126.000 ha chiếm 6,42% diện tích của cả nước. Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên là 3 tỉnh thuộc vùng ĐBBB có nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh trong thời gian gần đây. Giá đất nông nghiệp ngày càng tăng cao, người nông dân không muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tâm lý giữ đất vẫn phổ biến.
2. Về thực trạng tích tụ, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và hiệu quả sử dụng đất tại địa bàn nghiên cứu.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ đất đai và chuyển quyền sử dụng đất: Nghiên cứu đã xác định được 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ đất đai và chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đó là: (i) Nhóm nhân tố về cơ chế chính sách của chính phủ; (ii) Nhóm nhân tố về thuộc tính tự nhiên; (iii) Nhóm nhân tố về cơ sở hạ tầng; (iv) Nhóm nhân tố về nhận thức, tư tưởng của người dân; (v) Nhóm nhân tố về hiệu quả công tác quản lý. Trong 5 nhóm nhân tố trên nhóm ảnh hưởng cao nhất là nhóm yếu tố về cơ chế chính sách của CP; ít ảnh hưởng nhất là nhóm yếu tố về nhận thức, tư tưởng của người dân. Trong 5 nhóm yếu tố được xác định thì nhóm yếu tố về hiệu quả công tác quản lý có tương quan nghịch đến quyết định tích tụ đất đai của nông hộ.
4. Trên cơ sở phân tích và tổng hợp các số liệu tại 03 tỉnh nghiên cứu điểm, chúng tôi đề xuất bộ tiêu chí về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất gồm 50 tiêu chí được chia làm 4 nhóm đó là (i) Nhóm tiêu chí về cơ chế chính sách; (ii) Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng và hệ thống quy hoạch; (iii) Nhóm tiêu chí về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; (iv) Nhóm tiêu chí về vồn đầu tư và thị trường
5. Nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao việc thực hiện quy định chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp góp phần thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất tại vùng đồng bằng Bắc Bộ đó là (i) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; (ii) Nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng và quy hoạch; (iii) Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác đất nông nghiệp; (iv) Nhóm giải pháp về thị trường, vốn đầu tư và tuyên truyền.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20181/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)