Nghiên cứu, hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 28/12/2022 00:23 Cỡ chữ
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 trụ cột chính của hệ thống An sinh xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình vi phạm pháp luật (VPPL) về BHXH, bảo hiểm thấy nghiệp (BHTN), BHYT có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp; đặc biệt là tình trạng lạm dụng chế độ chính sách để trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT.
Khoản 2, Điều 5 Luật BHXH năm 2014 đã quy định rõ nguyên tắc "Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH"; qua đó khẳng định mối quan hệ giữa đóng - hưởng trong lĩnh vực BHXH; trong đó kết quả thu luôn gắn liền với giải quyết, chi trả các chế độ BHXH; chế độ và mức hưởng BHXH của NLĐ phải dựa trên cơ sở đóng và thời gian đóng BHXH của từng người.
BHXH Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng lại chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHTN, BHYT mà không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật (CSPL) về BHXH, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trong khi các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thanh tra về nội dung này không thường xuyên và trực tiếp với các đơn vị SDLĐ; quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT bị xâm hại không được ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời; hàng năm có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT kịp thời; mức độ vi phạm không chỉ dừng ở mức độ xử phạt VPHC mà trong một số trường hợp đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Công tác thanh tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn nhiều hạn chế về số cuộc và số đơn vị được thanh tra. Cơ quan BHXH được giao trực tiếp quản lý thu đóng BHXH, BHTN, BHYT và thực hiện chính sách BHXH, BHYT nên sẽ nắm bắt được tình hình các đơn vị SDLĐ, cơ sở KCB BHYT thường xuyên hoặc dễ có khả năng vi phạm để tập trung thanh tra kiểm tra (TTKT) những đơn vị này đồng thời cơ quan BHXH sẽ là một đầu mối tăng cường công tác TTCN cùng với thanh tra Ngành y tế để ngăn ngừa vi phạm và kiến nghị sửa đổi những tồn tại, vướng mắc trong các văn bản, các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT mà không phải tăng thêm biên chế, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính.
Từ những thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ Thanh tra - Kiểm tra cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Đức Long thực hiện “Nghiên cứu, hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam” với mục tiêu: Đề xuất hoàn thiện chức năng TTCN của BHXH Việt Nam nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi CSPL về BHXH, BHTN, BHYT.
Qua nghiên cứu lý luận về thanh tra đặc biệt là thanh tra hành chính và TTCN; thực trạng về tổ chức và hoạt động TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT; thực trạng hoạt động kiểm tra việc thực hiện CSPL về BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam hiện nay có thể rút ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, TTCN là một nội dung không thể thiếu trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Thứ hai, thực hiện hoạt động TTCN chính là thực hiện quyền hành chính, tác động trực tiếp đến đối tượng quản lý do đó đòi hỏi phải có tổ chức để thực hiện chức năng TTCN.
Thứ ba, tổ chức và hoạt động TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT của BHXH Việt Nam đã có những bước phát triển từ khi được giao chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT năm 2016 đến nay cả về tổ chức, biên chế và đào tạo cán bộ. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đang đặt ra là Ngành BHXH phải được giao chức năng TTCN đầy đủ để hoạt động TTCN của Ngành BHXH góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
Thứ tư, Luật Thanh tra năm 2010 và nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động TTCN. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này trên thực tế còn nhiều bất cập, nhất là với đặc thù của Ngành BHXH thì đòi hỏi phải được khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả hoạt động TTCN.
Thứ năm, để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động TTCN của BHXH Việt Nam trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Mà trước hết cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL theo hướng giao chức năng TTCN đầy đủ cho BHXH Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17891/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)