Nghiên cứu hiện trạng sinh vật gây hại cây Trang (Kandelia obovata), cây Bần chua (Sonneratia caseolaris) và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả, thân thiện với môi trường tại rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình
Cập nhật vào: Thứ ba - 01/10/2024 00:06 Cỡ chữ
Vấn đề sinh vật hại SVH RNM ở Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng còn khá mới mặc dù sức phá hại âm thầm của chúng đã luôn tồn tại song song cùng với sự có mặt của RNM. Sau một loạt các báo cáo về tình hình sâu bệnh gây hại hàng loạt CNM ở các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Ninh... thì rõ ràng đây chính là một thách thức mới cho sự thành công của các dự án trồng và khôi phục RNM. Những báo cáo liên quan đến vấn đề này mới chỉ dừng lại ở việc miêu tả những hiện tượng quan sát được, tỉ lệ cây chết, một số đặc điểm gây hại mà chưa có những những nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ và chi tiết về đặc điểm sinh học, sinh thái học của một số loài sinh vật chính hại CNM; các tài liệu hướng dẫn về quản lý, kiểm soát SVH cây ngập mặn còn thiếu ở Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng do đó dẫn tới những lúng túng và thụ động trong xử lý khi gặp vấn đề SVH phát sinh.
Để có thể đảm bảo cho các dự án trồng RNM thành công, bảo vệ tốt hệ sinh thái RNM vốn có, chủ động ứng phó với các vấn đề SVH tấn công cần có một nghiên cứu có hệ thống và đầy đủ các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ hệ sinh thái RNM trước sự gây hại của các loài SVH. NCS.ThS. Lê Quang Thịnh cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiện trạng sinh vật gây hại cây Trang (Kandelia obovata), cây Bần chua (Sonneratia caseolaris) và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả, thân thiện với môi trường tại RNM ven biển tỉnh Thái Bình” với mục tiêu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng được chương trình quản lý tổng hợp đối với loài sinh vật gây hại chính đối với cây Trang, cây Bần chua ở Thái Bình góp phần bảo vệ RNM hiệu quả, bền vững.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Xác định được thành phần loài sinh vật gây hại chính trên cây Trang và cây Bần chua tại Thái Bình gồm 32 thuộc 29 giống, 18 họ, 10 bộ và 2 ngành. Trong đó loài gây hại chính đối với cây Trang và Bần chua là 4 loài: Ostrea lurida (Carpenter, 1864), Ostrea edulis Linnaeus, 1758 Balanus amphitrite Darwin, 1854; Sphaeroma terebrans Bate,1866. Đã nghiên cứu và có những kết quả bước đầu về một số đặc điểm sinh học, sinh thái học có liên quan đến giải pháp phòng trừ như đặc trưng về vòng đời phát triển, đặc điểm sinh sản, đặc điểm phát sinh…của 2 đối tượng là Hà cám Balanus amphitrite và giáp xác chân đều Sphaeroma terebrans.
Đã đề xuất được bộ giải pháp kỹ thuật tổng hợp để phòng chống SVH bảo vệ cây Trang và Bần chua tại Thái Bình bao gồm các giải pháp sau:
✓ Giải pháp kỹ thuật lâm sinh
✓ Biện pháp phòng trừ sinh học
✓ Biện pháp cơ học
✓ Chương trình kiểm sát định kỳ
Đã xây dựng được 01 mô hình thử nghiệm giải pháp phòng trừ SVH trên cây Trang và cây Bần chua tại Cồn Đồng Bào, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Kết quả cho thấy sau 1 năm trồng (tháng 9/20219), mô hình thích ứng tốt với môi trường; có khả năng sinh trưởng tốt và ảnh hưởng của sinh vật hại là không lớn đến cây 55 trồng. Tỷ lệ sống trung bình của cây Trang là 83,33%, cây Bần chua 89,17%. Sinh trưởng của cây Trang với chiều cao đạt 73,06cm và đường kính gốc là 1,7cm, đã tăng thêm hơn 60% so với thời điểm trồng. Sinh trưởng của cây Bần chua đạt chiều cao trung bình đã tăng lên thành 134,56cm và đường kính gốc là 2,8cm. Đã tăng lên gần 2 lần về chiều cao và hơn 2 lần về đường kính.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20219/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)