Nghiên cứu giống và biện pháp kỹ thuật thâm canh cây điều bền vững
Cập nhật vào: Thứ năm - 23/09/2021 23:03 Cỡ chữ
Những năm gần đây, ngành điều đã phát triển khá ổn định với diện tích khoảng 300 ngàn ha, năng suất bình quân cả nước năm 2018 là 12,5 tạ/ha, sản lượng khoảng 350 ngàn tấn, trong đó vùng Đông Nam bộ có năng suất cao nhất là 12,3 tạ/ha, tỉnh có năng suất điều cao là Tây Ninh: 19,7 tạ/ha, Bình Phước: 14,4 tạ/ha, Bà Rịa-Vũng Tàu: 12,8 tạ/ha, Đồng Nai, Đắk Lắk: 12,3 tạ/ha.
Những năm đầu của thế kỷ XXI, việc nghiên cứu khoa học của cây điều đã được quan tâm nhiều hơn. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (CRDC) thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có đề tài: “Nghiên cứu giống và biện pháp kỹ thuật thâm canh cây điều bền vững”. Đề tài do TS. Trần Công Khanh làm chủ nhiệm, được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018.
Đề tài nhằm xác định được giống và biện pháp kỹ thuật cải tạo, trồng mới, thâm canh điều bền vững, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trồng điều tại các vùng trồng chính (Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ).
Cây điều đầu dòng có triển vọng về năng suất, tỷ lệ nhân thu hồi cao thích hợp cho các 48 vùng trồng chính, được mã hóa và được cơ quan nông nghiệp địa phương xác nhận là:
1) ĐN 15-1 được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai xác nhận tại Văn bản số 743/TTBVTV-KT ngày 21/09/2018.
2) BP 15-5 được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước xác nhận tại Báo cáo số 16/BC-TTĐ ngày 26/09/2018.
3) PC 15-30 được Phòng Nông nghiệp huyện Phù Cát xác nhận ngày 09/11/2018.
Các cây điều ưu tú nói trên có năng suất hạt từ 50 kg/cây đến 65 kg/ cây (trung bình 56,6 kg/cây) trong quần thể vườn điều 3,5 ha, số hạt/kg từ 162 đến 175 hạt, tỷ lệ nhân từ 29,6% đến 31,5%, đáp ứng tiêu chí bình tuyển giống điều.
Các giống điều địa phương góp phần làm giảm chi phí trong công tác nghiên cứu giống, giảm thời gian khảo nghiệm. Từ đó, các giống điều thực sinh, vườn điều già cỗi tại mỗi địa phương sẽ được thay thế bằng các giống triển vọng tại địa phương đó. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần đưa năng suất điều trong mô hình trên 2,5 tấn ở vùng Đông Nam Bộ, và trên 1,8 tấn ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ (so với ngoài mô hình). Việc làm này giúp làm tăng thu nhập cũng như làm thay đổi thái độ của nông dân đối với cây điều.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16702/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)