Nghiên cứu giải pháp tạo nguồn và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước nhằm phát triển bền vững cây điều vùng Đông Nam Bộ
Cập nhật vào: Thứ tư - 12/05/2021 05:56 Cỡ chữ
Hạn hán là một trong những thiên tai tự nhiên gây nên những thảm hoạ to lớn cho con người. Dù đã có rất nhiều biện pháp thu trữ nước và cấp nước đã được sử dụng, nhưng việc tìm kiếm các giải pháp cấp nước nói chung, tưới nói riêng, là yếu tố quyết định đến phát triển kinh tế và thịnh vượng của xã hội. Trong điều kiện đó, việc phát triển hệ thống tưới tiết kiệm nước nhằm đáp ứng nhu cầu tưới và tăng năng suất của cây trồng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và có tính khả thi cao trong việc giải quyết bài toán kham hiếm về nguồn nước trước mắt cũng như lâu dài.
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng, diễn ra nhanh hơn chúng ta dự báo, nguồn nước ngày càng khan hiếm, nền suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như trong nước chưa có dấu hiệu hồi phục, và để phát triển bền vững nền nông nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ lực (giảm chi phí đầu vào) cụ thể ở đây là cây Điều cho vùng Đông Nam Bộ, nhóm nghiên cứu do TS. Lê Trung Thành, Trường Đại học Thủy lợi đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu giải pháp tạo nguồn và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước nhằm phát triển bền vững cây điều vùng Đông Nam Bộ”.
Trong số các cây trồng cạn, cây Điều là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư thấp, tính chịu hạn cao vừa có giá trị thực phẩm, vừa sản xuất được dầu Điều, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phát triển diện tích Điều ở những vùng có điều kiện, kết hợp cải tạo, thâm canh vườn Điều hiện có với trồng mới, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng suất Điều 1995 - 2011 luôn biến động, thấp nhất là 1998 và cao nhất là 2005, nhưng từ năm 2006 trở lại đây, năng suất điều giảm dần, đây là một dấu hiệu xấu mà ngành Điều Việt Nam cần phải phấn đấu để khắc phục. Nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp là do ảnh hưởng khí hậu - thời tiết, tính chất đất và đầu tư chăm sóc chưa đúng quy định kỹ thuật; còn các tỉnh đạt năng suất cao trước hết là nơi trồng điều có điều kiện sinh thái thích hợp, giống được chọn lọc, đặc biệt là đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh điều tổng hợp: tỉa cành tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được số đông các hộ trồng điều tiến hành như ở Bình Phước và Đồng Nai. Phương thức sản xuất lạc hậu cũng dấn đến tình trạng lãng phí nước (tưới gốc (90- 95% tổng diện tích và mỗi lần tưới cần khoảng 650l/lần). Trong khi đó nếu sử dụng kỹ tưới tiết kiệm nước thì có thể tiết kiệm được rất nhiều lượng nước tưới như: tưới gốc với ủ gốc PE có thể giảm từ 30% đến 50%, tưới nhỏ giọt có thể tiết kiệm tới 5.4 lần cho một lần tưới/gốc tưới so với mức tưới hiện tại. Tất cả những nguyên nhân nêu trên làm cho đất đai suy kiệt, gia tăng tình trạng hạn hán và đặc biệt làm cạn kiệt tài nguyên nước, đặc biệt là tình trạng sụt giảm mực nước ngầm nghiêm trọng tại vùng nghiên cứu.
Sau một thời gian triển khai đề tài, nhóm đề tài đã đưa ra được những giải pháp sau:
1. Về việc thu gom nước mặt phân tán - bổ cập nước ngầm
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện này nhiều vùng ở Việt Nam có nguy cơ bị thiếu nước định kỳ, dù là do hạn hán, nhu cầu gia tăng hay quản lý yếu kém. Thiếu nước, bất kể nguyên nhân, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của chăn nuôi gia xúc, giảm sản xuất lương thực và làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng, đói nghèo. Kinh nghiệm cho thấy các công nghệ thu gom nước và bổ cập nước ngầm đơn giản hoàn toàn có thể áp dụng ở những vùng có lượng nước mưa thấp, phục hồi đất thoái hoá và để bảo vệ và tăng năng suất đất thông qua quản lý đất và dùng nước hiệu quả. Để cải thiện tình hình nước ngầm, cần phải bổ cập một cách tự nhiên các tầng nước ngầm bị cạn kiệt. Các kỹ thuật hiện có rất dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí và bền vững về lâu dài.
Các giải pháp có thể áp dụng cho vùng ĐNB bao gồm: hố vẩy cá, rãnh kết hợp bờ bao đồng mức, đập nhỏ ngăn nước và hệ thống rãnh kết hợp với ao trữ (bổ cập nước ngầm bằng nước mặt) đều có thể đem lại hiệu quả và người dân có khả năng thi công lắp đặt.
2. Về việc tưới tiết kiệm nước cho cây điều
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong thời điểm từ lúc ra hoa đến khi kết trái (mùa khô), nếu cây điều được tưới nước (đất đủ ẩm) thì năng suất hạt điều có thể tăng 25 ÷ 30%. Tại những nơi có điều kiện về nguồn nước, nếu đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt với chi phí khoảng 25 triệu đồng/ hecta và năng suất tăng lên khoảng 30% thì chỉ sau 2 năm có khả năng thu hồi vốn.
Việc áp dụng tưới nước bổ sung sẽ mang lại tác động tích cực đến năng suất Điều: Quá trình ra hoa sẽ đều hơn; Kích thước và trọng lượng hạt lớn hơn, và chất lượng hạt được đánh 37 giá tốt hơn; và năng suất Điều tăng lên đáng kể khoảng 16% ÷ 27% đối với áp dụng tưới phun mưa và 27% ÷ 36% đối với áp dụng tưới nhỏ giọt. Quy trình tưới điều hợp lý áp dụng từ khi ra hoa đến khi kết trái. Tưới 3 đợt, mỗi đợt tưới 10 ÷ 15 ngày, mức tưới là 300l với hình thức nhỏ giọt và 450 đến 500l với hình thức tưới phun gốc. Kết quả thực nghiệm bước đầu cho thấy hệ thống tưới cho cây Điều áp dụng tại tỉnh Bình Phước đạt hiệu quả tốt về kinh tế. Trong đó việc áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây Điều cho phép tăng năng suất và hệ thống tưới nhỏ giọt hiệu quả hơn so với hệ thống phun mưa.: Hệ thống tưới nhỏ giọt với chi phí đầu tư 25 triệu đồng/ha cho hiệu quả kinh tế tốt, năng suất tăng trung bình 26.9% (lớn nhất là 36.4%). Thời gian thu hồi vốn là khoảng 2 năm; Hệ thống tưới phun mưa có chi phí đầu tư 40 triệu đồng/ha cho phép tăng năng suất trung bình khoảng 9.7% (lớn nhất đạt 27.6%) và thời gian thu hồi vốn khoảng 3 ÷ 4 năm.
Năng suất của cây Điều nói chung phụ thuộc nhiều yếu tố đặc biệt là giống, thổ nhưỡng và kỹ thuật canh tác (kỹ thuật chăm sóc, phân bón, phòng bệnh và kỹ thuật tưới) do đó cần có các kết quả đánh giá toàn diện hơn về cả năng suất và chất lượng hạt Điều dựa trên các yếu tố trên trong các năng tiếp theo tại khu vực thực nghiệm để cung cấp các số liệu chính xác nhằm triển khai diện rộng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây Điều.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15718/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)