Nghiên cứu giải pháp phù hợp khai thác mỏ quặng thiếc Phú Lâm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường
Cập nhật vào: Thứ ba - 25/08/2020 01:56
Cỡ chữ
Thiếc là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến kim loại và công nghiệp điện tử. Ở Việt Nam, quặng thiếc được phân bố chủ yếu ở bốn khu vực là Pia-oac và Tam Đảo ở miền Bắc, Quỳ Hợp ở miền Trung và Đa Chay, Đà Lạt ở miền Nam. Quặng thiếc ở tỉnh Tuyên Quang thuộc khu vực Tam Đảo và được phân bố chủ yếu ở huyện Sơn Dương và ở huyện Yên Sơn.
Theo nghiên cứu, các thân quặng thiếc Phú Lâm - huyện Yên Sơn là những vỉa quặng có chiều dày phân bố từ mỏng đến dày trung bình, góc cắm từ dốc thoải đến dốc nghiêng - nghiêng đứng, trữ lượng thấp và hàm lượng nghèo. Mỏ thiếc Phú Lâm là một trong những khoáng sàng có điều kiện địa chất đặc trưng của kim loại màu mà nếu khai thác đơn thuần bằng phương pháp lộ thiên hay phương pháp hầm lò sẽ khó mang lại hiệu quả kinh tế cũng như khả năng khai thác tối đa trữ lượng quặng thiếc của khu mỏ. Để giải quyết vấn đề này và làm gia tăng hiệu quả của công tác khai thác của khu mỏ đồng thời giảm thiểu những tác động của quá trình khai thác mỏ đến môi trường sinh thái, Bộ Công thương đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp phù hợp khai thác mỏ quặng thiếc Phú Lâm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường” do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Thu thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Xây dựng giải pháp phù hợp khai thác mỏ quặng thiếc Phú Lâm giúp Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thiếc Phú Lâm tiến hành đầu tư khai thác sản xuất đạt hiệu quả kinh tế đối với mỏ trữ lượng nhỏ và hàm lượng nghèo, có thể áp dụng cho các mỏ quặng có thành tạo tương tự.
Mỏ thiếc Phú Lâm là một mỏ có trữ lượng nhỏ, hàm lượng thấp, phân bố trên địa hình núi cao, điều kiện đi lại khó khăn. Bằng các phương pháp nghiên cứu chuyên đề đã giải quyết các vấn đề sau:
- Đưa ra độ sâu kết thúc đáy mỏ và đã xem xét đến giải pháp khai thác hầm lò
- Đưa ra sơ bộ 3 giải pháp khai thác của mỏ và nguyên lý khai thác của các giải pháp
- Đưa ra và phân tích các tiêu chí để lựa chọn giải pháp khai thác phù hợp. Nội dung này là nội dung quan trọng và quyết định đến việc lựa chọn giải pháp khai thác phù hợp. Việc đưa ra giải pháp khai thác kết hợp thực sự có tính khả quan khi đảm bảo được các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Bằng các phương pháp nghiên cứu, nội dung đề tài đã lựa chọn được giải pháp khai thác kết hợp đối với cả 2 khai trường. Cụ thể là khai trường 1 chỉ sử dụng phương pháp khai thác lộ thiên 1 phần thân quặng 6.1 (tuyến 6 đến tuyến 7 và đến mức +90 m). Đối với khai trường 2, khai thác lộ thiên từ mức +40 m trở lên từ tuyến V đến biên giới phía Đông Nam cụm thân quặng 4 và 4ª. Các khu vực còn lại sử dụng phương pháp khai thác hầm lò.
- Kết quả của đề tài là chính xác, phù hợp với thực tế sản xuất, có thể áp dụng ngay trong quá trình sản xuất sắp tới của mỏ thiếc Phú Lâm.
- Đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ đặt hàng của Bộ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15793/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
nguyên liệu, quan trọng, công nghiệp, thực phẩm, chế biến, kim loại, phân bố, chủ yếu, khu vực, tam đảo, quỳ hợp, tuyên quang, sơn dương