Nghiên cứu dự báo diễn biến sạt lở, đề xuất các giải pháp để ổn định bờ sông và quy hoạch sử dụng vùng ven sông phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng hạ du hệ thống sông Đồng Nai
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/12/2023 04:05 Cỡ chữ
Trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, GS. TS. Phạm Thị Hương Lan đã phối hợp với các cộng sự tại Viện Thủy văn, Môi trường và Biến đổi Khí hậu thực hiện đề tài: “Nghiên cứu dự báo diễn biến sạt lở, đề xuất các giải pháp để ổn định bờ sông và quy hoạch sử dụng vùng ven sông phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng hạ du hệ thống sông Đồng Nai”.
Mục tiêu của đề tài là nhằm đánh giá được hiện trạng, nguyên nhân, cơ chế và các yếu tố ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông hạ du hệ thống sông Đồng Nai và dự báo trong tương lai và đề xuất được các giải pháp thích hợp, khả thi về khoa học công nghệ và quản lý phục vụ phòng chống sạt lở, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng có hiệu quả không gian ven sông.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Thông qua các đợt điều tra khảo sát, tham vấn cộng đồng, đề tài đã xác định được các nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, tổng hợp thống kê tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh trong năm 2019 như sau: Địa bàn Tp.Hồ Chí Minh: có 48 vị trí sạt lở, tăng 11 vị trí so với cuối năm 2018; Sông Sài Gòn: có 39 điểm sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở khoảng 23.606m, chiều dài mỗi điểm từ 6÷735m, chiều rộng sạt lở vào phía bờ từ 1÷30m, trong đó có 36 điểm xuất hiện từ các năm trước; Sông Thị Tính: có 6 điểm Sạt lở thuộc địa bàn xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, với tổng chiều dài sạt lở khoảng 6.490m; Sông Đồng Nai: Bờ sông thuộc địa phận tỉnh Bình Dương có 21 điểm sạt lở (18 điểm sạt lở cũ từ những năm trước và có 3 điểm sạt lở mới trong năm 1018). Các dạng sạt lở chủ yếu là Dạng hàm ếch do xói lở tại chân bờ sông (xói lở dạng hàm ếch); Dạng trượt xoay do dòng chảy hướng ngang tại đoạn sông cong; Dạng sạt lở thành dòng do chênh lệch áp lực nước trong bờ với ngoài sông (do dao động mực nước nhanh).
- Đã phân tích tổng hợp chia thành 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến xói lở bờ sông vùng hạ du sông Đồng Nai bao gồm: Nhóm do tác động của các hoạt động của con người trên lưu vực; Nhóm do tác động do yếu tố dòng chảy, biến đổi khí hậu; Nhóm do tác động do yếu tố tự nhiên, địa hình, địa chất, quy luật vận động tự nhiên của lòng dẫn, khai thác nước ngầm..... Đã làm rõ luận cứ khoa học về bản chất và các loại hình, cơ chế gây nên sạt lở bờ sông. Qua 10 kịch bản tính toán khai thác cát khu vực sông Đồng Nai đoạn Bình Dương, Biên Hòa cho thấy việc khai thác cát đã vượt giới hạn nguy hiểm gây quá trình biến đổi lòng dẫn.
- Đã Xây dựng các quan hệ thủy văn, thủy lực cho từng sông hoặc giữa các sông như: Q ~ H; H ~ H; Q ~ Q; R ~ R dựa trên số liệu đo (với các sông có trạm và số liệu đo) và dựa trên kết quả mô phỏng mô hình thủy lực-hình thái 1D (các sông không có số liệu đo đạc). Xây dựng các quan hệ hình thái lòng dẫn hiện tại (quan hệ theo mặt cắt, mặt bằng, chiều dọc sông, các chỉ tiêu ổn định cơ bản…) dựa trên các số liệu bản đồ, số liệu địa hình và các số liệu từ đo đạc thực tế, từ mô phỏng trên mô hình toán 1D, 3D. Chế độ thủy văn, thủy lực trong các thời kỳ vùng hạ du hệ thống sông Đồng Nai ảnh hưởng đến quan hệ hình thái sông. Hình thái sông được
- Trên cơ sở đánh giá mức độ diễn biến lòng dẫn kết hợp với điều tra thực tế về hiện trạng xói lở bờ sông, mức độ thiệt hại cũng như tham khảo một số tài liệu của các dự án, đề tài có liên quan, xác định tiêu chí phân loại xói lở bờ sông vùng hạ du sông Đồng Nai. Dựa trên các tiêu chí, kết quả đánh giá để xác định được khu vực xói bồi trọng điểm vùng hạ du sông Đồng Nai. Phân tích độ nhạy cảm của yếu tố thành phần (nguy cơ xói lở bờ sông (XLBS) theo từng yếu tố phát sinh) dựa trên cơ sở đánh giá mối tương quan yếu tố tác động phát sinh với hiện trạng phân bố XLBS. Phân tích so sánh cặp được ứng dụng nhằm xác định vai trò của từng yếu tố thể hiện bằng trọng số của nó trong tổng thể các yếu tố tác động phát sinh XLBS.
- Báo cáo đề xuất giải pháp thích hợp, khả thi về khoa học công nghệ và quản lý phục vụ phòng chống sạt lở, quy hoạch phát triển bền vững, khai thác sử dụng có hiệu quả không gian ven sông. Đề xuất quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông Sài Gòn khu vực từ ngã ba rạch Vĩnh Bình đến ngã ba rạch Thị Nghè theo hướng tiếp cận hành lang bảo vệ nguồn nước và đảm bảo an toàn bờ sông.
Kết quả đề tài mang lại hiệu quả có lợi cho sự phát triển các ngành kinh tế xã hội khai thác sông, tạo điều kiện phát triển bền vững cho khu vực, ngành.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19338/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)