Nghiên cứu động lực tăng trưởng từ phía cầu của nền kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2030
Cập nhật vào: Thứ hai - 07/08/2023 00:05 Cỡ chữ
Về lý luận, trước tình trạng nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn với lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, lãi suất, tỷ giá biến động mạnh... trong giai đoạn vừa qua, nhiều nghiên cứu mang tính tổng thể về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế được triển khai chủ yếu theo hướng “trọng cung”, tức là tập trung vào phân tích vai trò, nâng cao hiệu quả của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao...
Trong số các nghiên cứu điển hình có thể kể đến đề tài “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2020”, các chuyên đề “Thay đổi mô hình tăng trưởng” và “Thay đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện; đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu mô hình tăng trƣởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và sáng tạo (STI) của Việt Nam đến năm 2030" của Nguyễn Đông Phong...
Mặc dù việc nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào là rất quan trọng để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, việc phân tích vai trò của các cấu thành tổng cầu (các yếu tố đầu ra) cũng rất cần thiết. Lý thuyết và thực tế tại nhiều nước cho thấy sự thiếu hụt tổng cầu (tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công, xuất khẩu), nếu kéo dài, có thể dẫn đến các hạn chế trong việc tăng tổng cung và cũng dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp.
Về thực tiễn, trong những năm gần đây, cũng có động lực tăng trƣởng từ phía cầu của nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến tăng trưởng kinh tế. Theo đó, quy mô xuất khẩu/GDP của Việt Nam đã đạt mức khá cao và dự báo sẽ khó có thể tăng trƣởng mạnh trong dài hạn. Khi xuất khẩu sụt giảm, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng, bởi nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam với mục tiêu để xuất khẩu.
Trong khi đó, tình hình chi đầu tư phát triển, đầu tư công dành cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng đang phải đối mặt với những nút thắt khi nợ công đang tiến sát mức trần 65% do Quốc hội quy định. Ngoài ra, việc thúc đẩy nhu cầu tư nhân trong nước cũng đang bị giới hạn bởi tỷ lệ tín dụng ngân hàng so với GDP (nợ tư nhân) cũng ở mức cao. Đồng thời, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong năm 2020 làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến cầu tiêu dùng. Trước những thách thức nói trên, bên cạnh những chính sách về thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (chính sách trọng cung), cần có những điều chỉnh chính sao cho để có thể duy trì tổng cầu trong thời gian tới. Xuất phát từ những lý do nêu trên, đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu động lực tăng trưởng từ phía cầu của nền kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2030” do Cơ quan chủ trì Học viện tài chính cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Đức Độ thực hiện với mục tiêu dự báo các thách thức đối với động lực tăng trưởng từ phía cầu của nền kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2030, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm chuyển đôi mô hình tăng trưởng kinh tế cho thời gian tới.
Bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới giai đoạn 2020-2030 bao chứa cả thuận lợi và khó khăn liên quan đến diễn biến Covid-19, chiến tranh thương mại, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng tác động đến đà tăng trưởng của tổng thể nền kinh tế cũng như từng cấu thành tổng cầu thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cầu.
Trước điễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19 cộng với những bất cập nội tại vẫn còn tồn đọng dai dẳng của thị trường hàng hóa, dịch vụ nội địa, cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ đối mặt với không ít thách thức trong việc duy trì sự ổn định trong đà tăng trưởng và đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế.
Với đầu tư trong nước, thách thức lớn và lâu dài là tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam chưa cao. Hiện nay (trong nhiều năm qua), tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ ở mức dưới 30% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực khi ở giai đoạn phát triển mạnh (có tỷ lệ tiết kiệm/GDP từ 35-45%). Nếu lấy hệ số ICOR là 5, thì với mức tiết kiệm-đầu tư dưới 30% GDP, Việt Nam chỉ có thể đạt tăng trưởng trung bình dưới 6%/năm.
Về FDI, hiện tại, trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 2/3 giá trị xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là nếu tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam bị chậm lại, thì các dòng vốn FDI có còn tiếp tục vào Việt Nam hay không, bởi rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất vào Việt Nam để xuất khẩu.
Đề tài “Nghiên cứu động lực tăng trưởng từ phía cầu của nền kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2030” đã giải quyết các nội dung cơ bản sau:
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cầu gồm có luận cứ về cấu thành tổng cầu, các chính sách quản lý tổng cầu và mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào cấu thành tổng cầu;
- Nghiên cứu động lực tăng trưởng từ phía cầu tại cả các nước phát triển (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các nước đang phát triển (Trung Quốc, các nước ASEAN, Mỹ La-tin) trong các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau; từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc điều chỉnh cấu thành tổng cầu;
- Phân tích định tính khái quát thực trạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, vai trò của các cấu thành tổng cầu, phân tích định lượng tác động của các chính sách quản lý tổng cầu (bao gồm tiền tệ, tỷ giá, tài khóa) đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1985-2018.
- Đưa ra một hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng từ phía cầu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trong thời gian tới, Việt Nam chưa cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tiêu dùng. Thay vào đó, Việt Nam cần thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư cùng với chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để thay thế nhập khẩu nguyên vật liệu, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu.
Về chính sách, để thúc đẩy các xu hướng trên, Nhà nước cần tiến hành điều chỉnh đồng bộ và quyết liệt hệ thống chính sách quản lý tổng cầu như tài khóa, tiền tệ, tỷ giá, và các chính sách hỗ trợ khác như thu hút vốn nước ngoài, phát triển nhân lực, cải cách thể chế theo hƣớng nâng cao chất lượng, hiệu quả đi vào chiều sâu, giảm chi phí, gánh nặng nợ công lên nền kinh tế.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18609/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)