Nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu trong tiêu chí nông thôn mới cấp xã sau đạt chuẩn và đề xuất giải pháp duy trì bền vững các chỉ tiêu đó
Cập nhật vào: Thứ năm - 22/12/2022 00:01 Cỡ chữ
Chương trình xây dựng nông thôn mới (Chương trình) được triển khai từ năm 2010, đến Hội Nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới tháng 3 năm 2015 đã có 789 xã trong cả nước được coi là “đạt chuẩn” tức đạt được 19/19 tiêu chí về nông thôn mới theo kết quả tổng kết của Chương trình.
Đến năm 2017, sau thời gian triển khai Chương trình vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào đánh giá chất lượng và tính bền vững của chỉ tiêu trong tiêu chí quốc gia thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thông mới (NTM) giai đoạn 2010-2015. Thêm vào đó các tiêu chí hiện nay mới chỉ đảm bảo tính bao quát tầm quốc gia mà thiếu một số phân định tính đặc thù về vùng/miền của Việt Nam, trong khi Việt Nam là quốc gia có nhiều vùng/miền với các đặc điểm rất khác nhau về điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa tộc người.
Trong khi đó, mục tiêu chung của Việt Nam trong quan điểm và chủ trương phát triển con người là phải phát triển bền vững khu vực nông thôn đảm bảo có tính hài hòa và bao trùm, đảm bảo tính đa chiều của sự phát triển, có tính tới các yếu tố về chất lượng, tính bền vững và sự hài lòng của dân cư vùng nông thôn.
Bản thân mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam cũng đang chuyển dịch từ tư duy khối lượng, số lượng sang tư duy về chất lượng và hiệu quả, chú ý tới tính bền vững (cả chiều rộng theo các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và chiều sâu theo ý nghĩa đảm bảo duy trì các kết quả cho các thế hệ mai sau) và bao trùm (công bằng xã hội về cơ hội và năng lực tận dụng cơ hội của các nhóm dân cư, hộ gia đình và các cá nhân).
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ông Phạm Văn Đức thực hiện “Nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu trong tiêu chí nông thôn mới cấp xã sau đạt chuẩn và đề xuất giải pháp duy trì bền vững các chỉ tiêu đó” với mục tiêu nghiên cứu cơ sở thực tiễn để điều chỉnh, hoàn thiện các chỉ tiêu trong tiêu chí xây dựng NTM cấp xã sau đạt chuẩn, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí NTM và đề xuất các giải pháp chính sách duy trì bền vững kết quả đạt được của các xã sau đạt chuẩn nông thôn mới (SĐCNTM). Đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu 10 đánh giá có sự tham gia của các bên liên quan, nhằm đánh giá tính bền vững thông qua các chỉ số về kinh tế, xã hội, môi trường tại các xã SĐCNTM. Các dữ liệu của Đề tài là kết quả khảo sát, thu thập ý kiến đánh giá của các nhà quản lý địa phương và sự đánh giá từ người dân (người được hưởng lợi trực tiếp), đi sâu vào đánh giá tính bền vững của các chỉ tiêu trong tiêu chí NTM tại các xã SĐCNTM.
Hiện nay, lý luận về tính bền vững và các điều kiện để đảm bảo tính bền vững của việc thực hiện Chương trình NTM chưa được làm rõ. Cụ thể là: các nội dung yêu cầu, các nhân tố ảnh hưởng đến tính bền vững chưa được nghiên cứu một cách hệ thống. Các tiêu chí để đánh giá tính bền vững này là chưa có và chưa rõ ràng. Kết quả của đề tài là một đóng góp làm thu hẹp khoảng trống về lý luận này.
Việc phân tích, làm rõ về mặt lý luận mối quan hệ giữa lợi ích của các bên liên quan trong việc đảm bảo thực hiện bền vững các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, cũng là một kết quả của đề tài. Hàm ý chính sách của việc phân tích này nhằm làm rõ hơn lợi ích của các bên tham gia, hướng đến xu thế lợi ích cùng chiều hoặc ít nhất là không xung đột để đạt tính bền vững trong phát triển của các xã NTM sau đạt chuẩn.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm (từ 2009) và sau 5 năm triển khai trên cả nước Chương trình XDNTM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến ngày 15/9/2016, cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 515 xã (5,9%) so với cuối năm 2015 (dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn); còn 300 xã dưới 5 tiêu chí (3,36%), giảm 26 xã so với đầu năm 2016. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã; Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).
Đề tài này sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu đánh giá có sự tham gia của các bên liên quan, nhằm đánh giá tính bền vững thông qua các chỉ số về kinh tế, xã hội, môi trường tại các xã đã đạt và đạt chuẩn quốc gia xây dựng NTM. Việc xem xét các chỉ tiêu trong tiêu chí NTM về mặt chất lượng xét từ góc độ đánh giá không chỉ của các nhà quản lý địa phương mà còn xem xét sự đánh giá từ người dân là người được hưởng lợi trực tiếp là hết sức cần thiết và có ý nghĩa chính sách cao trong bối cảnh cần đi sâu vào chất lượng của mô hình tăng trưởng bền vững khu vực nông thôn hiện nay.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới được ban hành gồm có 19 tiêu chí và 49 chỉ tiêu và được chia thành 5 nhóm. Cụ thể: Nhóm 1 gồm có tiêu chí Quy hoạch; Nhóm 2 là nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội với 8 tiêu chí là: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư; Nhóm 3 là nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất với 4 tiêu chí là: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; Nhóm 4 là nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường gồm có 4 tiêu chí là: giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm; Nhóm 5 là nhóm Hệ thống chính trị với 2 tiêu chí là: hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.
Xây dựng nông thôn mới theo các chỉ tiêu trong 19 tiêu chí quốc gia là một bước chuyển biến mới đối với nông thôn của một đất nước xuất phát từ nông nghiệp đi lên và đến cuối thập kỷ tới cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có phạm vi khá rộng, phản ánh khá toàn diện bộ mặt nông thôn sau khi trở thành nông thôn mới, từ khâu quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự xã hội.
Kết thúc giai đoạn I của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí trở nên không còn phù hợp và cần có sự điều chỉnh cho sát với yêu cầu của thực tiễn. Trên thực tế cho thấy, một số tiêu chí đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt ít nhất 90% đến năm 2020 nhằm mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Do đó, ngành y tế sẽ phải điều chỉnh tiêu chí này (tiêu chí số 15 về y tế).
Theo quy định, để xã được công nhận là xã NTM phải đạt 19 tiêu chí, bên cạnh các tiêu chí đạt được, tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất, hiện cả nước mới có 26% các xã điểm NTM đạt tiêu chí về môi trường. Nguyên nhân tiêu chí này đạt thấp là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…Cụ thể, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt 55 tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch. Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường; chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17876/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)