Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn
Cập nhật vào: Thứ sáu - 19/11/2021 14:37 Cỡ chữ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là khối doanh nghiệp có mặt ở tất cả các lĩnh vực từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp xây dựng cho đến thương mại, dịch vụ và du lịch. Tuy nhiều như vậy nhưng nội lực của khối doanh nghiệp này còn rất yếu, khó có sức vươn xa. Đến nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 48% GDP, cứ 10 người lao động thì có tới 5 người làm việc trong các doanh nghiệp này, nhưng trên thực tế thì cứ 5 người trong số đó thì chỉ có hơn 1 người được qua đào tạo.
Thực tế hiện nay hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo nhiều khảo sát đánh giá trong cả nước mới chỉ mang tính tình thế, tức là chỉ tập trung vào hỗ trợ mỗi khi doanh nghiệp gặp khó khăn mà chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ chủ yếu vẫn là nguồn vốn thông qua chính sách tín dụng, lãi suất ưu đãi hay chính sách miễn giảm thuế khá thông dụng, với những chính sách này thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn nông thôn thì càng gặp nhiều khó khăn. Quĩ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ra đời được gần 5 năm nhưng việc bố trí vốn hỗ trợ doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nguyên nhân có thể bắt nguồn từ nhiều khía cạnh. Điều đó cho thấy một thực tế là có chủ trương, chính sách nhưng việc thực thi các chủ trương, chính sách đó còn nhiều bất cập.
Trên thực tế, khu vực nông thôn hiện nay với khoảng 70% dân số sinh sống, chiếm trên 60% tổng GDP và có số lượng người tiêu dùng nhiều gấp hơn 2 lần khu vực thành thị, sự gia tăng nhu cầu mua bán, tiêu dùng của dân cư trên địa bàn nông thôn đã và đang mang lại cơ hội phát triển thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là về phương diện tổ chức thị trường, cung ứng hàng hóa, thị trường bán lẻ ở nông thôn hiện nay vẫn phát triển chậm và thiếu bền vững, trong khi lực lượng nòng cốt đảm nhiệm khâu phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng trên địa bàn thị trường này chính là các DNNVV, một mặt vẫn chưa phát huy được hết khả năng và vai trò của mình, mặt khác còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, tiếp cận các ưu đãi từ cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô cũng như những hỗ trợ cần thiết từ phía nhà nước trong hoạt động kinh doanh ở khu vực địa bàn này, đặc biệt là các thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Do đó, việc nghiên cứu tìm ra những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối trong nước nói chung và các DNNVV nói riêng trong các hoạt động phân phối, bán lẻ ở nông thôn, từ đó phát triển thị trường bán lẻ hàng hóa tiêu dùng ở nông thôn là rất cần thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn nước ta trong thời gian tới. Với những lý do được phân tích ở trên, có thể thấy rằng việc triển khai nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa ở khu vực nông thôn” của nhóm tác giả do Cơ quan chủ trì Vụ Thị trường trong nước cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lâm Việt Dũng là có tính thực tiễn và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Với mục tiêu đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn.
Báo cáo nghiên cứu đề xuất “Một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn” đã tổng kết những lý luận và thực tiễn về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn giai đoạn 2013 - 2017, để đưa ra những quan điểm và định hướng của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực trên đến năm 2025, cụ thể:
- Đã hệ thống hóa một số vấn đề cơ sở lý luận hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn; xác định được nội dung chủ yếu về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực trên cũng xác định được các nhân tố tác động đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vữa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, báo cáo đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn của một số quốc gia, để tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đây là khung lý thuyết quan trọng để nghiên cứu các nội dung tiếp theo.
- Nghiên cứu rà soát, đánh giá thực trạng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn giai đoạn 2013-2017. Trong đó, báo cáo đã nêu ra (i) thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn trên; (ii) phân tích hiện trạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn trên cơ sở bám sát lý luận tại Chương 1, với các khía cạnh cụ thể và tập trung như các chính sách về đầu tư, thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại, chính sách phát triển nguồn nhân lực… Từ đó, đánh giá những thành công và hạn chế trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn thời gian qua.
- Dựa trên phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến xây dựng và hoàn thiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn và đánh giá tình hình thực tế cũng như căn cứ cơ sở lý luận tại các Chương trước, báo cáo đã đề xuất quan điểm và định hướng của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa tại khu vực nông thôn, đưa ra các đề xuất chính sách và giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đến năm 2025, trong đó tập trung chủ yếu vào phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bán lẻ hàng hóa thông qua Nhà nước xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16792/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)