Nghiên cứu đề xuất một số chính sách thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi để cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác
Cập nhật vào: Thứ hai - 08/11/2021 03:28 Cỡ chữ
Để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhu cầu đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình là rất lớn. Trong khi đó, các nguồn lực của Nhà nước giành cho lĩnh vực này khá hạn chế. Vì vậy, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân để bổ sung nguồn lực, sáng kiến của họ cho công tác phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng thủy lợi là rất cần thiết. Đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số chính sách thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi để cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác” do nhóm nghiên cứu của TS. Trần Văn Đạt tại Viện kinh tế và quản lý thủy lợi được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019, nhằm vào các mục tiêu sau: đề xuất được cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi cung cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; áp dụng thử nghiệm được một số cơ chế, chính sách đề xuất thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Đề tài đã rút ra một số kết luận như sau:
- Các hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn ở nước ta đã được đầu tư xây dựng. Ở một số vùng, chỉ những khu vực nhỏ lẻ, manh mún là chưa có công trình thủy lợi. Các hệ thống thủy lợi đã xây dựng đang bị xuống cấp nhanh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất của từng vùng miền mà năng lực thực tế của các công trình thấp hơn nhiều so với thiết kế. Tỷ lệ giữa công suất thực tế so với thiết kế của từng nhóm hệ thống, nhóm công trình thủy lợi cũng khác nhau.
- Các loại hình công trình hay mức độ phổ biến của từng loại hình công trình thủy lợi cũng thay đổi giữa các vùng sinh thái (vùng kinh tế). Tương tự như vậy, loại hình sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế) cũng không giống nhau giữa các vùng. Điều đó có ảnh hưởng đến sự tham gia và mức độ tham gia của khu vực tư nhân trong các dự án thủy lợi.
- Cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi khá nhiều. Về cơ bản, hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành đều quy định hệ thống thủy lợi nói chung và công trình thủy lợi nói riêng là hệ thống hạ tầng thiết yếu, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa được quy định là lĩnh vực được ưu đãi đầu tư (theo Luật Đầu tư). Sự chồng chéo, bất cập và khoảng chống tồn tại trong hệ thống chính sách nên chưa thúc đẩy được tư nhân tham gia trong các dự án đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Mô hình tổ chức quản lý Nhà nước về đầu tư theo hình thức đối tác công tư chưa hoàn thiện. Hiện mới chỉ ở cấp Bộ (cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã hoàn thiện bộ máy. Ở cấp địa phương, hiện có khoảng 50% số tỉnh/thành trong cả nước đã thành lập cơ quan đầu mối về đâu tư theo hình thức đối tác công tư. Rất ít tỉnh/thành đã công bố danh mục các dự án thủy lợi để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (mặc dù Chính phủ đã quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP). Các nhà đầu tư tiềm năng không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý đầu tư các dự án thủy lợi.
- Trước yêu cầu của cuộc sống, sản xuất và phát triển, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi và cung ứng sản phẩm, dịch vụ chất lượng và tin cậy là rất lớn. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về vốn của Chính phủ rất hạn chế. Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư thì sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong lĩnh vực thủy lợi là cần thiết và rất có ý nghĩa.
- Việc tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thủy lợi thiết yếu, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không những giải quyết được vấn đề khó khăn về ngân sách mà còn phát huy được năng lực, sự sáng tạo của các nhà đầu tư trong các khâu xây dựng, quản trị, quản lý kinh doanh dự án. Điều đó tạo cơ hội tốt để các hộ sử dụng được tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tốt hơn với mức chi phí hợp lý. Đồng thời cũng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách, tái cấu trúc trong các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi.
- Các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn vào các nhóm dự án đầu tư xây dựng (có cấu phần xây dựng). Trong khi đó, các hộ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi lại có xu hướng tham gia nhiều hơn vào giai đoạn quản lý kinh doanh dự án hoặc trong các dự án quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Các dự án thủy lợi không thực sự hấp dẫn nhưng cũng có nhiều tiềm năng thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư. Trong số 277 dự án đầu tư xây dựng và 297 dự án quản lý khai thác công trình thủy lợi đang được xem xét đưa vào danh mục dự án PPP để công bố theo quy định, có 70 dự án đầu tư xây dựng và 118 dự án quản lý khai thác có khả năng sinh lợi nhuận, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có cơ hội đảm bảo nguồn thu từ sự chi trả giá sản, phẩm dịch vụ thủy lợi của người sử dụng (riêng sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi, nông dân sẵn sàng trả ở mức từ 77.000 đồng/ha đến 339,000 đồng/ha). Ngoại trừ các dự án có nhiệm vụ phát điện là chính, tất cả các dự án cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi hay sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác (cung cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác) đều có khả năng sinh lợi nhuận, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Kết quả nghiên cứu đã được áp dụng và ứng dụng thử nghiệm ở một số dự án cụ thể và được các cơ quan hữu quan chấp thuận. Ngoài ra, các sản phẩm nghiên cứu cũng đã nhân được ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp, các nhà đầu tư tiềm năng trong cả nước.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16843/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)