Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số
Cập nhật vào: Thứ sáu - 08/12/2023 00:02 Cỡ chữ
Các doanh nghiệp may Việt Nam đều ý thức được vai trò của việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đến sự tồn tại của doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp may đã tìm nhiều giải pháp trong đó có việc ứng dụng sản xuất tinh gọn Lean để hiện thực hóa mục tiêu này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp may triển khai Lean thất bại nhưng những doanh nghiệp triển khai thành công đã cho thấy hiệu quả thực sự khi năng suất lao động và chất lượng sản phẩm được nâng cao, gia tăng lợi nhuận nhờ tiết giảm các chi phí do lãng phí gây ra. Như vậy, việc nghiên cứu để ứng dụng thành công sản xuất tinh gọn Lean là hết sức cần thiết và cấp bách trong thời kỳ hiện nay.
Dưới tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn. Các vấn đề đặt ra là liệu doanh nghiệp đang duy trì sản xuất tinh gọn Lean thì có nên đầu tư vào các nền tảng công nghệ số hay không? Nếu đầu tư công nghệ số vào doanh nghiệp may thì có cần triển khai hay duy trì sản xuất tinh gọn Lean không? Hoặc nếu doanh nghiệp may đồng thời đầu tư cả công nghệ số và sản xuất tinh gọn Lean thì sẽ tác động như thế nào đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Hay việc triển khai ứng dụng sản xuất tinh gọn Lean vào các doanh nghiệp may trong thời kỳ chuyển đổi sang công nghệ số thì sẽ sử dụng mô hình nào? Việc phải trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi này là hết sức cấp thiết và cấp bách đối với ngành công nghiệp may.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Hoàng Xuân Hiệp và nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện “Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số” với mục tiêu: Xây dựng mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số và đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình tại doanh nghiệp may.
Sản xuất tinh gọn là một nhóm phương pháp và công cụ, nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn. Thành phần cơ bản của Lean bao gồm: JIT (Just in Time gồm: Kanban; SMED; Takt time; Heijunka; Cell layout; VSM); Jidoka (tự động hóa gồm: Kiểm soát SX bằng công cụ Andon; Poka - yoka (Ngăn ngừa lỗi); 5 Whys; Line stops); Công cụ của Lean gồm: 5S; TPM; SW; Kaizen.
Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, hệ thống sản xuất lean và công nghệ số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Công nghiệp 4.0 làm thay đổi cách thu thập và xử lý dữ liệu các công cụ của Lean khi bổ sung vào Cảm biến và kết nối, Điện toán đám mây, Big Data; Sự tương tác giữa máy và máy có thể theo hai chiều dọc và ngang; Tương tác giữa người và máy (HMI) thông qua thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. Lean và công nghệ số không loại bỏ nhau đồng thời chúng có thể cùng nhau tăng giá trị cho người dùng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra một kỷ nguyên số trong đó xu hướng chủ đạo là sự kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, internet kết nối vạn vật (IOT) và các hệ thống kết nối internet (IOS)... để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm theo cấp số nhân. Bên cạnh đó, sản xuất tinh gọn cũng đã được nghiên cứu, áp dụng từ nhiều năm và đã chứng minh được tính hiệu quả. Tuy vậy, việc kết hợp công nghệ số với sản xuất Lean vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo, vì vậy nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số” đã triển khai nghiên cứu đề tài này, tổ chức thực nghiệm để giải quyết tất cả các mục tiêu và nội dung đặt ra và đã đạt được một số kết quả sau đây:
Đề tài đã tổng quan được các khái niệm, lợi ích, nguyên tắc, triết lý của công nghệ Lean cũng như khái niệm, đặc điểm của CMCN 4.0; đánh giá được những công nghệ nổi bật của CMCN 4.0 có tác động tới công nghệ Lean theo từng công cụ cụ thể. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã tổng quan và xây dựng được mô hình Lean trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số cùng với các qui trình triển khai áp dụng cụ thể theo từng công cụ trong Lean. Qua đánh giá, đề tài đã làm rõ công nghệ Lean sẽ phát huy được hiệu quả trong một số công cụ nhất định đặc biệt là 6 công cụ (Heijunka, SW, Kaizen, Smed, Andon, Takt time) đã được triển khai thực nghiệm thành công tại 3 doanh nghiệp may là Công ty Cổ phần - Tổng Công ty may Bắc Giang LGG; Công ty Cổ phần Quốc tế Phong phú; Tổng Công ty Cổ phần Phong phú.
Trong nghiên cứu, đề tài đã đánh giá được sự tác động lẫn nhau giữa công nghệ số và mô hình sản xuất tinh gọn Lean trong các doanh nghiệp ngành may. Đó là một số công cụ của Lean sẽ phát huy hiệu quả, mang lại năng suất, chất lượng cao hơn nhờ công nghệ số như: Heijunka, SW, Kaizen, Smed, Andon, Takt time, 5S, Poka - yoke, TPM. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất được mô hình ứng dụng Lean doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số với 12/14 công cụ có thể áp dụng trong bối cảnh chuyển đổi số (trừ công cụ Cell layout và 5S)
Để triển khai áp dụng 12 công cụ của Lean chuyển đổi số tại doanh nghiệp may, nhóm đề tài đã xây dựng được chương trình đào tạo, giáo trình cùng với 01 bộ học liệu. Trong bộ tập huấn đào tạo này, nhóm đề tài đã dày công nghiên cứu và đã xây dựng được: Các bước triển khai của từng công cụ; điều kiện triển khai; ưu nhược điểm trong quá trình triển khai; nội dung triển khai; cách thức ứng dụng công nghệ 4.0 trong từng công cụ; hiệu quả trước và sau triển khai từng công cụ. Đồng thời, nhóm đề tài cũng đã tổ chức và đào tạo được cho 500 sinh viên ngành may về ứng dụng Lean trong doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi sang công nghệ số.
Qua nghiên cứu, đề tài đã thiết kế thành công 1 phần mềm Digital Lean. Phần mềm này được nhóm nghiên cứu phát triển dựa trên bộ các ứng dụng của Google - đó là Google sheet và Data Studio, kết hợp với các đoạn code viết riêng phù hợp với mục đích sử dụng. Phần mềm Digital Lean được viết chi tiết cho từng công nhân, từng công đoạn trong chuyền may với việc ứng dụng đồng thời 6 công cụ được chọn để triển khai thực nghiệm đã nói ở trên. Nhờ có phần mềm này, nhóm đã triển khai công nghệ Lean 4.0 tại 3 doanh nghiệp thí điểm với kết quả khả quan. Cụ thể như sau: năng suất bình quân/chuyền tăng khoảng 8-10%; tỷ lệ hàng lỗi giảm khoảng 1% - 2%; giảm nhân sự cho công tác bấm giờ, rải chuyền, chuyển đổi sản xuất, kiểm soát đường chuyền đồng thời góp phần tăng doanh thu của chuyền khoảng 5% - 10%; tiền lương của người lao động tăng lên khoảng 5% - 6%.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18862/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)