Nghiên cứu, đề xuất mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 31/10/2022 00:32 Cỡ chữ
Tại Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) cũng ngày càng phát triển, với nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, các tranh chấp TMĐT sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Trong khi đó, cơ chế giải quyết tranh chấp do Bộ Công Thương xây dựng với hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp trên các website do doanh nghiệp thực hiện đều chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng gia tăng với các tranh chấp trên môi trường trực tuyến. Tình trạng này đòi hỏi phải có cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) để giải quyết các tranh chấp phát sinh trên môi trường mạng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh thương mại điện tử qua đó thúc đẩy sự phát triển của hình thức kinh doanh này. Do vậy, việc nghiên cứu mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến trong TMĐT thông qua việc học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu, châu Á v.v… qua đó để đề xuất xây dựng mô hình ODR cho Việt Nam là hoạt động cần thiết, góp phần giải quyết các vấn đề trong TMĐT hiện nay.
Vì lý do trên, năm 2019, nhóm nghiên cứu của ThS. Hồ Thị Tố Uyên tại Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử tại Việt Nam”.
Mục tiêu tổng quát của đề tài là nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp trong TMĐT, tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, củng cố niềm tin cho các bên tham gia giao dịch TMĐT.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh TMĐT đang phát triển nhanh chóng kéo theo các tranh chấp khiếu nại tăng cao, có thể nhận định ODR sẽ là tương lai cho việc giải quyết tranh chấp. Việc xây dựng cơ chế ODR và áp dụng nó để giải quyết tranh chấp TMĐT một cách hiệu quả sẽ rất có lợi cho việc thúc đẩy sự tăng trưởng của TMĐT nói riêng và sự phát triển của kinh tế và cho xã hội nói chung. Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến ODR trong TMĐT được xây dựng với những đặc điểm sau đây:
- Toàn bộ quy trình tiếp nhận và xử lý tranh chấp được thực hiện hoàn toàn trực tuyến để đảm bảo phát huy lợi ích của cơ chế ODR là tiết kiệm thời gian, chi phí.
- Quy trình gửi, tiếp nhận, xử lý và các quy trình liên lạc giữa các bên khi thực hiện trên hệ thống ODR phải đơn giản, dễ sử dụng, thân thiện với người dùng để các bên tích cực, chủ động sử dụng hệ thống ODR, phát huy tính hiệu quả của ODR trong giải quyết tranh chấp trong TMĐT.
- Hệ thống ODR kết nối với cơ sở dữ liệu doanh nghiệp TMĐT để đảm bảo quy trình xử lý tranh chấp được thực hiện nhanh chóng.
- Hệ thống ODR có sự tham gia của các cơ quan giải quyết tranh chấp, bao gồm: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các Cục Quản lý thị trường và các Sở Công Thương… để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý phản ánh, giải quyết tranh chấp và bảo vệ người tiêu dùng.
Đề tài này là một trong số ít nghiên cứu về vấn đề giải quyết tranh chấp trực tuyến trong lĩnh vực TMĐT. Thông qua việc nghiên cứu các đặc điểm, tính chất của hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến, xem xét các mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến được áp dụng tại các nước, đề tài đã đưa ra giải pháp xây dựng mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến trong TMĐT với mục đích tạo ra công cụ giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp trong TMĐT; đồng thời, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dung, các Sở Công Thương, v.v... Việc triển khai hệ thống góp phần vào việc thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương trong giải quyết tranh chấp về thương mại điện tử, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, củng cố niềm tin cho các bên tham gia giao dịch TMĐT.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17648/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)