Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ giai đoạn 2020-2025, phục vụ thi hành Luật Đo đạc và bản đồ
Cập nhật vào: Thứ tư - 09/10/2024 00:08 Cỡ chữ
Luật Đo đạc và bản đồ ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của lĩnh vực Đo đạc và bản đồ, đặc biệt với vai trò được khẳng định tại khoản 4 Điều 4 “Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành phải sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm từ hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản” và khoản 5 Điều 4 “Cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản phải được sử dụng làm nền tảng của dữ liệu không gian địa lý quốc gia”. Do vậy, Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 đã đưa nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia, cung cấp hạ tầng dữ liệu thiết yếu cho vận hành, phát triển chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, phát triển đô thị thông minh” là một trong những nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng nền tảng công nghệ phát triển chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển chính phủ điện tử trên thế giới.
Trong giai đoạn hiện nay, với tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nền tảng diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và vật lý với các yếu tố cốt lõi: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với dữ liệu nền địa lý về độ chính xác, độ tin cậy, tính kịp thời cũng như sự đa dạng, linh hoạt trong cung cấp, chia sẻ các loại sản phẩm dữ liệu mới ngoài các sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và sự hội nhập của các công nghệ thông minh, cùng với các mô hình quản trị hiệu quả dẫn tới xu hướng xây dựng các thành phố thông minh với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu 5 nền địa lý tích hợp với các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ kịp thời các dịch vụ của công dân, quản lý tốt việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững các nguồn lực chính là nền tảng của việc xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Để đảm bảo mục tiêu đặt ra với mục tiêu trước mắt là đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc «Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc” thì nhiệm vụ quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện đại, hội nhập với quốc tế, để thống nhất áp dụng giữa các các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương mới đảm bảo có khả năng chia sẻ, kết nối dữ liệu.
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Bùi Thị Xuân Hồng cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Điều tra - Xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thực hiện “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ giai đoạn 2020-2025, phục vụ thi hành Luật Đo đạc và bản đồ” với mục tiêu: Đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống QCVN, TCVN trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý giai đoạn 2020 - 2025 theo các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm tăng cường 6 việc quản lý nhà nước và đảm bảo việc quản lý thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương về các sản phẩm đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý bao gồm cả các sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản cũng như sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành; Xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất với hệ thống QCVN, TCVN đã đề xuất và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ triển khai thi hành luật Đo đạc và bản đồ.
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu với tổng số 34 Báo cáo chuyên đề, 5 Báo cáo sản phẩm của đề tài. Dịch 200 trang tài liệu nước ngoài phục vụ nghiên cứu đề tài. Hoàn thành nội dung thực nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia theo đúng yêu cầu của hợp đồng.
Do yêu cầu cấp bách cần có các quy định kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ của Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia” được phê duyệt theo quyết định Số 40/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng chính phủ nên kết quả nghiên cứu của đề tài đã được sử dụng để xây dựng các Quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia ban hành trong năm 2019 và 2020 cụ thể là:
+ Thông tư số 19/2019/TT-BTNMT ngày 08/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.
+ Thông tư số 23/2019/TT-BTNMT ngày 25/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc và nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.
+ Thông tư số 06/2020/TT-BTNMT ngày 31/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở (QCVN42:2020/BTNMT).
+ Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000.
+ Thông tư số 15/2020/TT-BTNMT ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000.
Bộ ký hiệu bản đồ tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000, 1:25.000 cũng đã được các đơn vị sử dụng trong các dự án xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2000, 1:5.000 và 1:10.000.
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ giai đoạn 2020-2025, phục vụ thi hành Luật Đo đạc và bản đồ” đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đúng mục tiêu đã đề ra ban đầu.
04 Danh mục hệ thống TCVN, QCVN trong lĩnh vực Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý giai đoạn từ 2020 đến 2025 được đề xuất dựa vào kinh nghiệm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngoài nước; áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 19100 vào chuẩn hóa dữ liệu - thông tin địa lý; các Luật chuyên ngành, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật và hệ thống quy phạm kỹ thuật đo đạc và bản đồ chuyên ngành đã được ban hành có cơ sở khoa học và thực tiễn, đầy đủ theo danh mục chủ đề quy định trong Luật đo đạc và bản đồ 2018.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20283/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)