Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao khả năng kết nối, truy cập thông tin về cảnh báo, dự báo và kế hoạch ứng phó với thiên tai cho cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/12/2023 03:42 Cỡ chữ
Trong thời gian qua cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung của các địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế các xã nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Tuy nhiên, với đặc trưng là sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và vị trí thường nằm ở các vùng xa xôi, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các cơ sở hạ tầng thông tin con hạn chế, nên mang tính dễ bị tổn thương cao với các thiên tai như lũ, bão, hạn hán, xâm nhập mặn… Trong khi đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) dự kiến sẽ tiếp tục làm gia tăng tần suất và mức độ cực đoan của các loại hình thiên tai, do đó, các thành quả xây dựng NTM trong những năm qua cần tiếp tục được phát huy và bảo vệ vững chắc hơn nữa.
Từ thực tế trên, TS. Nguyễn Xuân Lâm đã phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao khả năng kết nối, truy cập thông tin về cảnh báo, dự báo và kế hoạch ứng phó với thiên tai cho cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới” từ năm 2018 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu: xây dựng giải pháp nâng cao khả năng kết nối, truy cập thông tin về cảnh báo, dự báo thiên tai và kế hoạch ứng phó với thiên tai cho cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cảnh báo, dự báo và kế hoạch ứng phó với thiên tai phục vụ kết nối và truy cập thông tin, áp dụng cho một số xã xây dựng nông thôn mới.
Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Quá trình tổng quan và đánh giá hiện trạng đã chỉ ra Internet sẽ là xu thể chủ đạo của hiện tại và tương lai, do đó, đề tài đã lựa chọn Internet làm nền tảng truyền tin trung tâm. Giải pháp IOT Dconnection được đề tài đề xuất thí điểm có khả năng tích hợp và kết nối cao, kết hợp với chatbot hoạt động trên mạng xã hội Telegram là một mô hình lý tưởng có khả năng linh hoạt, dễ nhân rộng và xử lý dữ liệu lớn, có thể đáp ứng thông tin đến hàng triệu người.
- Giải pháp đã được thử nghiệm làm công cụ điều hành cho các ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Tại Lào Cai, công cụ đã được sử dụng trong việc giám sát tình hình khí tượng, thủy văn, vận hành các hồ chứa thủy điện trên địa bàn theo thời gian thực, giải pháp có các công cụ tùy biến để người điều hành có thể xây dựng các phân tích mưa, làm đầu vào để kích hoạt các cảnh bảo lũ quét và phân phối các tin cảnh báo này một cách dễ dàng đến các khu vực của người dân gần các trạm quan trắc. Tại Đắk Lắk, công cụ cũng có những chức năng tương tự về giám sát, và cũng đã xây dựng các công cụ phân tích về hạn hán hỗ trợ người sản xuất café dựa trên chatbot trên Telegram. Tại Tiền Giang, một mô hình thủy văn và xâm nhập mặn đã được thí điểm tích hợp vào hệ thống, hệ thống ngoài các chức năng giám sát trên địa bàn, còn có thể thực hiện giám sát từ đầu nguồn Mê Công, qua đó làm công cụ cảnh báo từ xa cho tỉnh Tiền Giang. Về truyền tin cộng đồng, hệ thống sử dụng chatbot hoạt động trên mạng xã hội chat Telegram làm nền tảng, từ đây, đã có thể nhanh chóng xây dựng các kênh cảnh báo đến cộng đồng, các kênh thông tin từ cấp quản lý xuống cộng đồng bằng text, văn bản, âm thanh. Mô hình này ngoài ra, còn kết hợp với loa thông minh trong tương lai có thể tạo lên một hệ thống truyền tin toàn diện mang những ưu điểm nhanh chóng, cơ động và kịp thời.
- Các giải pháp đã được thí điểm tập huấn nhiều bên tại các xã thí điểm là Quang Kim (Lào Cai), Hòa Thắng (Đắk Lắk) và Long Bình (Tiền Giang). Trong các buổi tập huấn này có sự tham gia đầy đủ của các ban chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng. Các địa phương đều đã đánh giá các Giải pháp của đề tài là hữu ích, dễ sử dụng, và chấp thuận đưa vào ứng dụng bằng văn bản gửi về Chương trình Khoa học và công nghệ xây dựng NTM. Tiếp đó, các công nghệ của Đề tài cũng đã được, tiếp nhận và ứng dụng để xây dựng hệ thống CSDL.
Việc thực hiện đề tài là rất cần thiết nhằm tăng cường khả năng kết nối thông tin thiên tai cho các cộng đồng xã.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19258/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)