Nghiên cứu, đề xuất chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dữ liệu số trong nền kinh tế số
Cập nhật vào: Thứ hai - 08/05/2023 00:03 Cỡ chữ
Kinh tế số là hoạt động kinh tế đạt được dựa trên nền tảng số. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Tại Việt Nam chưa có mô hình nghiên cứu dữ liệu hỗ trợ các doanh nghiệp từ phía mà nhà nước mà theo Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định 43/2011/NĐ-CP quy định các cơ quan nhà nước phải cung cấp các thông tin cho người dân và doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử. Mới đây nhất, Chính phủ có ban hành Nghị định 47/2020/NĐ-CP về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có một số điều chia sẻ dữ liệu đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay các thông tin mà doanh nghiệp cần vẫn rất hạn chế do sự kết nối dữ liệu tại các cơ quan Chính phủ, giữa Chính phủ với các doanh nghiệp ở mức độ cơ bản và quy trình chia sẻ dữ liệu thống nhất với doanh nghiệp được chưa được quy định cụ thể… Ngoải ra, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhiều quy định hỗ trợ doanh nghiệp khác hiện nay cũng chưa đề cập nhiều đến việc hỗ trợ dữ liệu đối với doanh nghiệp. Điều này, dẫn đến việc tiếp cận dữ liệu số đối với doanh nghiệp về các chính sách, thị trường, sản phẩm… còn hạn chế.
Hầu hết các đề tài, chính sách hiện nay mới chỉ tập trung nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp về các giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ… nhất là các công nghệ nền tảng của Cuộc cách mạng 4.0 bao gồm công nghệ số. Đối với mảng còn lại, chính sách hỗ trợ về dữ liệu số đối với doanh nghiệp như một nguồn lực đầu vào quan trọng của kinh tế số thì hiện nay rất ít đề tài nghiên cứu. Để giải quyết được tình trạng này, năm 2020, ThS. Bùi Thanh Tùng cùng các cộng sự tại Vụ Công nghệ thông tin đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dữ liệu số trong nền kinh tế số” vào năm 2020.
Đề tài đã giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng hiện nay trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về dữ liệu số như xây dựng chiến lược quy hoạch lại dữ liệu, xây dựng các quy định cụ thể về chia sẻ hỗ trợ riêng về dữ liệu số, các giải pháp về xây dựng nền tảng, định dạng chia sẻ dữ liệu, giải pháp về tổ chức bộ máy hỗ trợ dữ liệu và giải pháp đào tạo sử dụng và khai thác dữ liệu số.
Kết quả của Đề tài sẽ tạo tiền đề để Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu số và chia sẻ dữ liệu số theo đúng chức năng nhiệm vụ quản lý bao gồm ban hành các Quyết định, Thông tư hướng dẫn Nghị định 47/2020/NĐ-CP về chia sẻ dữ liệu như danh mục dữ liệu dùng chung, tiêu chuẩn kỹ thuật chia sẻ dữ liệu,… đồng thời bổ sung các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu chia sẻ và hỗ trợ dữ liệu số cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ số nói riêng. Đồng thời, Đề tài cũng giúp Bộ kiến nghị với các bộ, ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hỗ trợ doanh nghiệp về dữ liệu số.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18299/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)