Nghiên cứu đề xuất các quy định về quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm
Cập nhật vào: Thứ ba - 30/11/2021 08:50
Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hóa chất của Việt Nam có tốc độ phát triển và tăng trưởng cao. Công nghiệp hóa chất đang được xem là một trong các ngành kinh tế trọng điểm, được ưu tiên phát triển để đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp và nền kinh tế nói chung. Hiện nay cả nước có khoảng 670 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực này, trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất thủ công, sang chiết đóng chai thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Hàng năm, số các doanh nghiệp hoạt động hóa chất vẫn ngày càng tăng lên, điều đó đã khẳng định vai trò quan trọng và sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp hóa chất. Ngoài ngành công nghiệp sản xuất hóa chất, các ngành công nghiệp khác cũng phát triển mạnh dẫn đến nhu cầu sử dụng hóa chất ngày càng nhiều, vì vậy hoạt động kinh doanh hóa chất cũng phát triển theo. Vai trò tích cực và không thể thiếu của hoạt động hóa chất trong sự phát triển kinh tế nói chung đã được khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực đó, hoạt động hóa chất cũng tác động tiêu cực đến an toàn, sức khỏe con người và môi trường. Các số liệu thống kê về sự cố hóa chất trong thời gian qua cho thấy sự cố hóa chất đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều và quy mô, phạm vi tác động của nhiều sự cố rất lớn. Sự cố hóa chất càng đặc biệt nguy hiểm do nhiều nhà máy hóa chất vẫn đang vận hành với công nghệ sản xuất cũ, thậm chí lạc hậu, thiết bị cũ… việc xây dựng nhiều nhà máy chưa tuân thủ đúng các quy định về an toàn, nhiều cơ sở hoạt động hoá chất vẫn tồn tại trong nhiều khu vực đông dân cư hoặc nằm xen lẫn với các cơ sở công nghiệp, kinh doanh thương mại khác. Nhận thức rõ các nguy cơ và hậu quả của sự cố hóa chất, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành một số văn bản pháp lý để quản lý hoạt động hóa chất một cách an toàn, thực hiện xây dựng các văn bản quy định lập kế hoạch, biện pháp ứng phó sự cố hoá chất, triển khai các chương trình, dự án đánh giá về an toàn hoá chất, sự cố hóa chất, triển khai một số cuộc diễn tập xử lý sự cố hóa chất… Tuy vậy, những hoạt động trên mới chỉ là bước đầu, việc phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cần phải được tiến hành một cách toàn diện để hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố hóa chất xảy ra. Chính vì vậy việc xây dựng các quy định về quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm là cần thiết.
Trước tình hình đó, nhóm đề tài do TS. Nguyễn Xuân Sinh, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các quy định về quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm” nhằm khảo sát, thu thập số liệu về hiện trạng tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm tại các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Đánh giá hiện trạng và xây dựng mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý đối với hóa chật nguy hiểm tại các địa phương trên. Xây dựng các quy định về quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm.
Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2019), trên cơ sở các nội dung công việc đã hoàn thành, tác giả và nhóm tham gia đề tài có một số kết luận sau:
1) Đã rà soát, tổng hợp thành hệ thống các tài liệu và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xây dựng tổng quan hoạt động quản lý nhà nước đối với an toàn trong trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm;
2) Đã đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng, công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm;
3) Đề xuất các giải pháp quản lý trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm;
4) Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm.
Đề tài kiến nghị, cần tiếp tục sửa đổi quy định về quản lý hóa chất nguy hiểm nói chung. Xây dựng cơ chế kiểm tra thông tin của Phiếu an toàn hóa chất. Thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm phổ biến, cập nhật kịp thời cho các tổ chức, cá nhân liên quan các quy định mới về họat động quản lý trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin cụ thể hơn, giúp các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với hoạt động quản lý trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển đối với hóa chất nguy hiểm liên quan, từ đó nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm cũng như đưa ra những chỉ dẫn cần thiết nhằm giảm rủi ro trong hoạt động hóa chất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16652/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)