Nghiên cứu đề xuất các mô hình khai thác bền vững thấu kính nước nhạt trong các cồn cát ven biển phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước khu vực bắc Trung bộ
Cập nhật vào: Thứ sáu - 21/05/2021 02:05 Cỡ chữ
Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT, kể từ khi bắt đầu triển khai từ 2001 tới nay thì độ bao phủ đã đạt được trên 84% về cấp nước hợp vệ sinh cho các vùng nông thôn trên toàn quốc. Tuy nhiên, mức độ bao phủ giữa các tỉnh, và các vùng trong một tỉnh còn có khác biệt lớn. Riêng đối với khu vực dân cư vùng ven biển Bắc Trung bộ do có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình và địa chất nên là khu vực có rất nhiều khó khăn để đảm bảo nguồn đáp ứng nhu cầu dùng nước. Hiện tại đã có rất nhiều vùng trong khu vực này lâm vào cảnh thiếu nước đặc biệt là vào thời điểm mùa khô ứng với tình trạng chung về biến đổi khí hậu.
Đối với dải đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ này, tầng nước nhạt dưới đất tồn tại chủ yếu trong các thành tạo trầm tích Hôlôxen thượng nguồn gốc sông (aQ3 2), sông biển (amQ3 2) và biển gió (mvQ3 2). Đây tầng chứa nước không có áp với chiều dày tầng khai thác không lớn (từ 2,0m-3,0m cho đến 8,0-15,0m), và độ sâu mực nước tĩnh không lớn (từ 0,3-2,5m về mùa mưa và 0,5-6,0m về mùa khô). Nguồn nước này được xem như là nguồn tài nguyên đặc biệt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương. Mặc dầu vậy, việc khai thác NDĐ trong khu vực các dải cồn cát ven biển phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt đang được thực hiện bằng các công nghệ đơn giản, riêng lẻ, kết cấu không phù hợp hoặc khai thác vượt năng lực tầng chứa đã dẫn đến suy giảm lưu lượng và chất lượng nước khai thác đã tạo điều kiện cho xâm nhập mặn, gây cạn kiệt và suy thoái nguồn.
Tình trạng thiếu nước và mặn xâm nhập luôn đe dọa nhiều vùng dân cư sinh sống trên khu vực vùng đồng bằng dọc các dải cát ven biển, đặc biệt là: vùng Nghi Tiến, Nghi Yên, huyện Nghi Lộc - Nghệ An; vùng Thạch Trị, Thạch Xuyên, huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh hay vùng Thạch Lạc, huyện Hải Lăng - Quảng Trị. Nơi đây có trên 47.800 người dân trong số 77.200 người của 18 xã (chiếm 62,0%), hàng năm vẫn phải luôn đối đầu với cảnh thiếu nước sinh hoạt cũng như không đảm bảo về chất lượng nước do nhiễm mặn.., đời sống sinh hoạt hết sức khó khăn đặc biệt vào mùa khô.
Nhằm mục tiêu đánh giá được hiệu quả các mô hình khai thác nước dưới đất và tiềm năng các thấu kính nước nhạt trong các cồn cát ven biển Bắc Trung Bộ. Xây dựng được mô hình khai thác phù hợp, hiệu quả; đề xuất giải pháp bảo vệ các thấu kính nước nhạt trong các cồn cát ven biển Bắc Trung Bộ. Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt để thực hiện “Nghiên cứu đề xuất các mô hình khai thác bền vững thấu kính nước nhạt trong các cồn cát ven biển phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước khu vực bắc Trung bộ”.
Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã có được các kết quả chính sau:
- Khoanh vùng và xác định được đặc điểm và điều kiện địa chất thủy văn các dải cồn cát ven biển Bắc Trung Bộ.
- Đánh giá được hiện trạng khai thác nước và sử dụng nguồn nước nhạt thấu kính cồn cát ven biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ
- Nghiên cứu cơ sở khoa học đề đề xuất các giải pháp/ công nghệ khai thác hiệu quả, bền vững nước nhạt thấu kính trong các dải cồn cát ven biển
- Đề xuất được một số mô hình công trình khai thác bền vững thấu kính nước nhạt trong dải cồn cát ven biển phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất
- Xây dựng 02 mô hình công trình khai thác nước thấu kính dải cồn cát cấp nước sinh hoạt cho xã khan hiếm nước thuộc danh mục 264/CP
- Đánh giá được tiềm năng khai thác nước vùng ven biển Bắc Trung Bộ và định hướng giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước vùng nghiên cứu
- Đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước trong các thấu kính nước nhạt
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16443/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)