Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổng thể cải thiện và bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ năm - 14/09/2023 11:03 Cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong hạ lưu của sông Mekong, là nơi tiếp nhận toàn bộ nước từ sông Mekong đổ về, thêm lượng mưa nội tại, rồi sau đó chảy ra biển Đông. Đây là vùng thu nhận nguồn nước lớn nhất nước, cả từ sông và từ biển. Nhờ nguồn nước dồi dào, khối lượng phù sa lớn, điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, trong vài chục năm qua, vùng đồng bằng này là nơi sản xuất sản lượng lương thực và thực phẩm lớn nhất nước, đóng vai trò tiên phong trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như cung ứng nguồn nông, thủy hải sản đáng kể cho thế giới.
Vùng ĐBSCL có hệ thống sông suối, kênh rạch chằng chịt bao gồm sông Tiền và sông Hậu, phân lưu ra các cửa sông kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu, sông Hậu qua cửa Định An và Trần Đề. Chế độ thuỷ văn ở ĐBSCL chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn, chế độ triều biển Đông, biển Tây và chế độ mưa trên toàn đồng bằng. Vùng ĐBSCL phụ thuộc vào hơn 80% tổng lượng nước ngọt hằng năm từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Mỗi năm, sông Mekong chuyển về ĐBSCL khoảng 450-475 tỷ m3 nước (xếp thứ 8 trên thế giới) và tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Ngoài nguồn nước từ sông Mekong, mỗi năm vùng ĐBSCL nhận một lượng mưa dao động vào khoảng 1.600-2.200 mm.
Bên cạnh những biến động về số lượng nước thì chất lượng nước sông bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy chất lượng nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái khi có những thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa. Sự suy thoái này có thể do các yếu tố tự nhiên hoặc các yếu tố con người hoặc cả hai yếu tố này cùng tác động. Những nguy cơ gây biến động về chất lượng nước mặt trên sông tại ĐBSCL có thể kể đến: (i) Nguy cơ ô nhiễm từ thượng lưu: Do đặc điểm nằm ở hạ lưu sông Mekong, chất lượng nước mặt ĐBSCL hiện nay đang bị đe dọa bởi các ảnh hưởng, nguy cơ chưa lường hết được từ các công trình khai thác nguồn nước ở các quốc gia thượng nguồn sông Mekong (hàng loạt hồ chứa, thủy điện đang và sẽ hình thành trên các sông nhánh và cả dòng sông chính, các công trình chuyển nước, các hệ thống thủy nông để gia tăng diện tích canh tác lúa...). Theo báo cáo của Uỷ ban sông Mekong năm 2016 dựa trên kết quả phân tích của 22 trạm đo từ năm 2000 đến năm 2016, chất lượng nước của thượng lưu lưu vực sông Mekong có chất lượng tốt nhưng giá trị ô nhiễm có xu hướng tăng từ năm 2000 đến nay; (ii) Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt do phát triển nội tại: Sự phát triển kinh tế và động lực của nhu cầu thị thường trong nước và quốc tế kéo theo áp lực lên nền sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở khu vực gia tăng, người dân sử dụng nhiều hóa chất, nông dược cho đồng ruộng, từ đó, hóa chất nông dược tồn dư theo nước mưa, nước tưới tiêu chảy ra các kênh rạch. Nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng cặp với các tuyến sông, nước thải trong quá trình sản xuất chưa qua xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa đạt theo tiêu chuẩn cho phép cũng được thải ra các sông rạch.
Mặc dù các sông chính của ĐBSCL có nguồn nước dồi dào, lòng sông sâu rộng và khả năng tự làm sạch tương đối lớn nhưng trong những năm gần đây, hệ thống sông ngòi ở ÐBSCL bị hủy hoại rất nhanh; (iii) Nguy cơ suy thoái chất lượng nguồn nước mặt do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Trong khoảng hai thập niên vừa qua, các dấu hiệu của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng thể hiện rõ hơn lên vùng đồng bằng, nhiều hiện tượng thiên tai, thời tiết bất thường đã được ghi nhận. Hầu hết mọi hoạt động canh tác nông nghiệp đều bị chi phối lớn bởi các yếu tố khí hậu, thời tiết. Sự bất thường của thiên nhiên sẽ gây nên những tổn thất về năng suất và sản lượng hoặc làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Thay đổi chế độ dòng chảy trong sông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ĐBSCL. Những thay đổi về dòng chảy sẽ làm cho không những gia tăng về phạm vi xâm nhập mặn tại ĐBSCL mà còn làm cho diễn biến môi trường sẽ khác đi so với hiện nay, đặc biệt trong những năm dòng chảy về ĐBSCL nhỏ.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Thế Vinh thực hiện “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổng thể cải thiện và bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” với mục tiêu đánh giá được hiện trạng, dự báo được tác động của các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội, tác động của biển và các yếu tố thượng nguồn đến môi trường nước ở đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất được các giải pháp tổng thể cải thiện và bảo vệ môi trường nước nhằm đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế; Áp dụng thử nghiệm được các giải pháp cải thiện và bảo vệ môi trường nước cho 1 khu vực cụ thể.
Đề tài được thực hiện trong thời gian 18 tháng (từ 12/2019 đến 11/2020) đã thu thập được các số liệu về tình hình dân sinh, kinh tế của toàn bộ 13 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL. Các số liệu chuyên ngành như: tài liệu địa hình, tài liệu khí tượng thủy văn, tài liệu về chất lượng nước, các điểm xả thải, tài liệu về biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy thượng lưu cũng đã được thu thập từ các cơ quan, ban ngành trong vùng nghiên cứu. Trên cơ sở phân tích các tài liệu thu thập, từ đó xây dựng được hiện trạng chất lượng nước của đồng bằng theo các chỉ tiêu chất lượng nước và chỉ tiêu WQI. Dựa vào các số liệu dự báo về thay đổi dòng chảy thượng lưu, biến đổi khí hậu và phát triển nội tại cảu đồng bằng, tiến hành dự báo chất lượng nước đến năm 2030 và 2050. Từ những phân tích dự báo trên và dựa vào hiện trạng cơ sở hạ tầng của ĐBSCL, tiến hành đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường cho vùng nghiên cứu. Dựa vào các giải pháp này, đề tài đã áp dụng đề xuất cho khu vực thành phố Cà Mau, nơi có mức độ ô nhiễm cao so với các vùng khác của đồng bằng
Đề tài đã thu thập được số liệu về chất lượng nước trong 5 năm gần đây (từ năm 2014 - 2018) của 22 trạm quan trắc chất lượng nước trên lưu vực sông Mekong của MRC. Thu thập được số liệu về chất lượng nước trong 5 năm gần đây (từ năm 2014 - 2018) của 488 trạm quan trắc chất lượng nước tại ĐBSCL của 13 Sở Tài nguyên và môi trường trong vùng nghiên cứu. Thu thập được số liệu quan trắc của 93 trạm đo chất lượng nước từ Trung tâm Quan trắc Môi trường Quốc gia. Thu thập khoảng 920 điểm xả thải của các tỉnh thành phố thuộc đồng bằng. Thu thập được số liệu chất lượng nước của 60 trạm đo trong các hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo kết quả quan trắc của MRC, chất lượng nước sông Mekong có chiều hướng xấu nhẹ trong những năm gần đây, hàm lượng phù sa trung bình có chiều hưởng giảm. Nhìn chung, chất lượng nước của sông Mê Công phù hợp với mọi đời sống thủy sinh đảm bảo sức khỏe con người. Chưa có ghi nhận vượt giá trị hướng dẫn đối với các chỉ số chất lượng nước đối với tưới tiêu chung và tưới lúa, có thể kết luận rằng nước sông Mê Công và sông Hậu ở phần thượng lưu đều có thể sử dụng trong nông nghiệp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18752/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)