Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Cập nhật vào: Thứ hai - 10/01/2022 01:20 Cỡ chữ
Thị trường ngày càng dồi dào, đa dạng, đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp. Chất lượng hàng hóa và dịch vụ ngày càng được cải thiện; chủng loại, kiểu cách, mẫu mã ngày càng phong phú hơn. Một số mặt hàng trước đây bị hàng ngoại lấn át, nay đã cạnh tranh được với hàng ngoại, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Chất lượng hàng xuất khẩu cũng được cải thiện, tỷ trọng trong mặt hàng chế biến tăng, kim ngạch xuất khẩu không ngừng gia tăng, thị trường xuất khẩu được mở rộng, sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có mặt trên 150 nước trên thế giới. Nhiều hàng hóa có mức chất lượng ngang với sản phẩm cùng loại của nhiều nước trong khu vực và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Mặc dù có những tiến bộ rõ rệt, việc tổ chức, quản lý hoạt động tiêu chuẩn đo lường, chất lượng ở nước ta hiện nay nói chung còn có những tồn tại cần được khắc phục.
Vấn đề đánh giá tình hình sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường có nguy cơ gây mất an toàn cao là nhiệm vụ mang tính cấp bách. Việc đưa ra những đánh giá tổng quan bức tranh về thị trường hàng hóa nhận diện các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn cao giúp bảo vệ sức khỏe và đời sống người tiêu dùng và xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và nâng tầm doanh nghiệp cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Việc triển khai đánh giá chất lượng của một số sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường có nguy cơ gây mất an toàn cao và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) không những mang lại ý nghĩa to lớn trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn đem lại kiến thức và phổ cập tới tầng lớp người tiêu dùng và xã hội. Bên cạnh đó, giúp đưa các công cụ quản lý Nhà nước tới gần hơn với doanh nghiệp và xã hội, giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi Việt Nam đã là thành viên của WTO; CPTPP, chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam phải nâng cao chất lượng SPHH đồng thời tăng cường thông tin cảnh báo về hàng hoá kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Từ yêu cầu thực tiễn, nhóm đề tài do ThS. Trần Văn Dư, Trung tâm Thông tin - Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành thực hiện đề tài: “Đánh giá chất lượng của một số sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường có nguy cơ gây mất an toàn và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa” nhằm giúp nhận diện được sản phẩm hàng hoá cần đánh giá chất lượng (10 loại sản phẩm/6 nhóm ngành) thông qua các hoạt động nghiên cứu, phân tích thực trạng chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở thông tin từ các ngành hàng, hệ thống kênh truyền thông, dư luận xã hội và ở kinh nghiệm của một số nước/nhóm nước; Đánh giá chất lượng các sản phẩm được xác định là có nguy cơ cao gây mất an toàn thông qua phương pháp thử nghiệm, kiểm nghiệm mẫu, nghiên cứu, tổng hợp, phân tích ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến người tiêu dùng và kết quả điều tra tra theo chuỗi sản xuất tiêu thụ; Xây dựng Cổng thông tin phục vụ Doanh nghiệp với mục tiêu trở thành cầu nối giữa nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như với cơ quan báo chí nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng; Xây dựng chuyên mục “Cảnh báo chất lượng sản phẩm hàng hóa” trên Cổng thông tin phục vụ Doanh nghiệp để đăng tải tin, bài, ảnh, video clip và các bản tin truyền tải thông tin, cảnh báo về chất lượng SPHH tới các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp nhận ý kiến thông tin về chất lượng sản phẩm hàng hóa từ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng; Đề xuất được các phương thức, biện pháp và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng SPHH.
Sau một thời gian thực hiện, các kết quả và tác động chính mà đề tài đã đạt được bao gồm:
1.Về mặt nghiên cứu thông tin
Đơn vị chủ trì đã phối hợp cùng các đơn vị trong Tổng cục khai thác, phân tích thông tin trong nước và quốc tế tương đối đầy đủ về thực trạng, biện pháp quản lý đối với 6 nhóm ngành hàng được xác định là có nguy cơ cao gây mất an toàn, mang tính đa ngành đa lĩnh vực, các sản phẩm do nhiều Bộ quản lý. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng có thể xây dựng hệ thống quản lý, các biện pháp quản lý đối với 6 nhóm ngành hàng sản phẩm được đưa vào khảo sát. Qua quá trình triển khai, nhiệm vụ đã xây dựng được một hệ thống các báo cáo chuyên đề trong lĩnh vực quản lý chất lượng SPHH.
2. Về mặt kết quả phân tích mẫu thực tế
Đơn vị chủ trì cũng đã phối hợp hiệu quả với các đơn vị để xây dựng được phương án khảo sát tối ưu, và thu thập mẫu ở nhiều địa bàn trên toàn quốc. Kết quả thử nghiệm trên từng sản phẩm sẽ là tiền đề, căn cứ để các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các mặt hàng; đóng góp tích cực vào công tác quản lý sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm hàng hoá thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Về mặt năng lực thử nghiệm
Qua hoạt động khảo sát đối với 10 mặt hàng, các phòng thử nghiệm của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 1, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 2, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 đã thực hiện và đảm bảo năng lưc cần thiết để đáp ứng thử đủ các chỉ tiêu chất lượng theo QCVN và TCVN tương ứng của từng sản phẩm, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tiến độ cung cấp kết quả thử nghiệm. Qua đây khẳng định năng lực của các Phòng thử nghiệm thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ quản lý Nhà nước và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Về mặt quản lý Nhà nước, qua khảo sát một số sản phẩm không đạt chất lượng đã được các cơ quan quản lý có văn bản gửi đến các Bộ chuyên ngành và UBND địa phương nơi có sản phẩm không đạt để thông tin và cảnh bảo, làm cơ sở để các đơn vị triển khai hoạt động quản lý Nhà nước tiếp theo (ví dụ: như chất lượng nước tại các cây lọc nước ở một số trường học tại Đà Nẵng). Mặt khác, qua kết quả khảo sát của nhiệm vụ, đã giúp cho các cơ quan quản lý chính thức văn bản hóa quy định về mặt pháp lý đối với hoạt động này, cụ thể trong nội dung Nghị định 74/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể về hoạt động khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa và đã có hiệu lực thực hiện.
4. Về mặt hợp tác quốc tế
Trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có sự phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài để trao đổi thông tin, cảnh báo sản phẩm mất an 133 toàn có trên thị trường Việt Nam, ví dụ: hợp tác đối với CPSC trong thời gian vừa qua.
5. Về mảng thông tin, tuyên truyền
Tạp chí TCĐLCL đã xây dựng được Cổng thông tin cảnh báo được tích hợp hệ thống SEO tối ưu, giúp cập nhật nhanh chóng và hiệu quả các thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá trong nước và nước ngoài một cách nhanh chóng.
Qua Cổng thông tin cảnh báo, người tiêu dùng sẽ có cái nhìn về thực trạng chất lượng sản phẩm hàng hoá đang lưu thông trên thị trường để có thể tự bảo vệ bản thân và gia đình; doanh nghiệp sẽ có thể cập nhật các thông tin mới nhất về các quy định quản lý của nhà nước để kịp thời điều chỉnh sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý và nhu cầu thị trường; các cơ quan chức năng sẽ tiếp cận, lắng nghe được những suy nghĩ, trăn trở của doanh nghiệp và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hoá để từ đó có thể xây dựng, điều chỉnh phương án, hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, Tạp chí ứng dụng các hệ thống kỹ thuật tích hợp các công nghệ hiện đại nhất của VietQ.vn đã đáp ứng tố nhu cầu tìm kiếm thông tin của độc giả về Chất lượng sản phẩm hàng hoá, các thuật ngữ về Chất lượng sản phẩm hàng hoá trên VietQ.vn đang được Google đánh gía cao, từng bước chiếm những vị trí hàng đầu khi độc giả tìm hiểu về Chất lượng sản phẩm hàng hoá qua công cụ tìm kiếm của Google.
Như vậy, các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ không chỉ góp phần vào cải thiện hệ thống quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá mà còn tạo ra hiệu ứng truyền thông lan toả với đông đảo nhân dân, giúp mọi người có nhận thức đúng đắn về chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16907/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)