Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số “Mức độ phổ biến về rào cản phi thuế quan” của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ
Cập nhật vào: Thứ hai - 24/05/2021 00:30 Cỡ chữ
Biện pháp phi thuế quan (NTMs) là các biện pháp về chính sách, mà không phải là các biện pháp thuế quan, có tác động kinh tế trên khía cạnh thương mại hàng hoá quốc tế, làm thay đổi lượng hàng hoá hoặc giá cả hàng hoá hoặc cả hai yếu tố này (UNCTAD, 2012). Mặc dù có nhiều biện pháp phi thuế được sử dụng vì mục đích hợp pháp như nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ sức khỏe của con người… song nhiều khi các biện pháp phi thuế quan trở thành các rào cản phi thuế trong thương mại, đó là khi các biện pháp này được sử dụng với mục đích hạn chế hàng nhập khẩu, bảo hộ ngành sản xuất trong nước và thậm chí làm bóp méo thương mại. Vì vậy, điều chỉnh các biện pháp phi thuế quan trong quá trình tự do hóa thương mại sao cho phù hợp, vừa phát huy lợi ích của biện pháp này nhưng không làm cản trở đối với thương mại quốc tế, không trái với nguyên tắc và mục tiêu tự do hóa thương mại được khẳng định trong các thỏa thuận quốc tế là hết sức cần thiết. Từ năm 2004 đến nay, Diễn đàn kinh tế thế giới đã công bố về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) trong Báo cáo thường niên về cạnh tranh toàn cầu, được tính toán dựa trên 12 chỉ số (WEF gọi là 12 trụ cột), được cụ thể hóa thành 114 chỉ số con, trong đó có chỉ số bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (thuộc trụ cột “thể chế”) và chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế (thuộc trụ cột “hiệu quả của thị trường hàng hóa”). Báo cáo hàng năm về GCI của WEF cho thấy xếp hạng chỉ số GCI của Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2017 liên tục biến động, cụ thể Việt Nam xếp hạng thứ 75/144 về chỉ số GCI năm 2012 và liên tục tăng trong những năm tiếp theo. Năm 2015, Việt Nam xếp hạng thứ 56/140. Tuy nhiên đến năm 2016, Việt Nam bị tụt hạng xuống vị trí 60/138, có thể coi tụt 4 bậc so với năm 2015. Năm 2017, Việt nam được xếp hạng thứ 55/137 về chỉ số GCI, tức là tăng 5 bậc so với năm 2016. Năm 2018, WEF sử dụng thêm các chỉ số mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xếp hạng ở vị trí 77/140 quốc gia được khảo sát về chỉ số GCI 4.0 với 58/100. Qua đó cho thấy xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt nam tuy có tăng nhưng không ổn định. Bởi vậy, cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ là cần thiết để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số ‘Mức độ phổ biến về rào cản phi thuế quan’ của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ” do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Thương Mại cùng phối hợp với chủ nhiệm đề tài TS. Lê Thị Việt Nga thực hiện nhằm đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và công nghệ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Với mục tiêu cụ thể làm rõ bản chất và các phương pháp xác định chỉ số “Mức độ phổ biến về rào cản phi thuế quan”, những yếu tố ảnh hưởng chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế quan. nghiên cứu chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế của một số nước trong khu vực ASEAN và kinh nghiệm của các nước đó trong việc cải thiện chỉ số “Mức độ phổ biến về rào cản phi thuế quan”, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam. Xác định và đánh giá mức độ phổ biến của các rào cản phi thuế quan liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó xem xét mức độ phổ biến của các rào cản phi thuế liên quan chức năng nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với một số nhóm (mặt) hàng dự kiến lựa chọn. Đề xuất các giải pháp để cải thiện chỉ số “Mức độ phổ biến về rào cản phi thuế quan” liên quan chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu xác định cách tiếp cận nghiên cứu đề tài này là nghiên cứu về các chỉ số để đánh giá mức độ phổ biến của rào cản phi thuế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và những biện pháp để cải thiện chỉ số mức độ phổ biến đó để đảm bảo rằng các biện pháp phi thuế quan được sử dụng bởi Bộ Khoa học và Công nghệ ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước nhưng không tạo ra trở ngại và tác động tiêu cực đối với thương mại, cụ thể là đối với hoạt động nhập khẩu. Với cách tiếp cận như vậy, đề tài nghiên cứu về hệ thống rào cản trong thương mại quốc tế hiện nay, các phương pháp và công cụ xác định chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế, các biện pháp để cải thiện chỉ số đó và kinh nghiệm của các quốc gia trong việc cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế. Nhóm nghiên cứu lựa chọn các nước ASEAN để nghiên cứu kinh nghiệm cải thiện chỉ số “mức độ phổ biến về rào cản phi thuế quan” bởi lẽ Việt Nam và các nước ASEAN là những quốc gia trong cùng khu vực, có mối quan hệ mật thiết trên nhiều khía cạnh như chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa…, có những điểm khác biệt về thể chế, pháp luật, kinh tế, văn hóa song cũng có những điểm tương đồng. Ngoài ra, Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác đang nỗ lực trong việc nhất thể hóa thị trường, xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển bền vững, do đó việc học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, điều chỉnh chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế nói riêng để hướng tới một thị trường có tính hài hòa hóa cao là điều cần thiết.
Quá trình liên kết và hợp tác giữa các quốc gia ngày càng trở nên sâu sắc, gắn bó và chặt chẽ, khiến các quốc gia càng trở nên lệ thuộc vào nhau hơn. Trong bối cảnh như vậy, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho dòng di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư giữa các nước là yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 19/2014/NQCP về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nghị quyết được điều chỉnh qua từng năm. Thực hiện Nghị quyết này, các Bộ ngành, trong đó đáng kể là Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực rất nhiều trong việc cắt giảm, điều chỉnh các quy định pháp lý, thủ tục hành chính nhằm xỏa bỏ rào cản phi thuế, xóa bỏ trở ngại đối với doanh nghiệp, cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế của Việt Nam, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, đến nay môi trường kinh doanh của Việt Nam được WEF và WB đánh giá có sự cải tiến đáng kể.
Tuy nhiên, để tiếp tục đáp ứng những yêu cầu khách quan của bối cảnh Việt Nam hội nhập, cũng như tiếp tục thực hiện tốt những yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu đề tài nhằm cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và công nghệ với những nội dung sau:
Một là, làm rõ nội dung, vai trò, tác động của rào cản phi thuế quan, chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế quan và các phương pháp xác định chỉ số đó, các biện pháp cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế.
Hai là, nghiên cứu kinh nghiệm cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế của một số nước và rút ra bài học cho Việt Nam.
Ba là, làm rõ thực trạng và tác động của rào cản phi thuế quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và công nghệ hiện nay
Bốn là, xác định chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và công nghệ, chủ yếu bằng phương pháp điều tra doanh nghiệp, đánh giá về chỉ số đó thông qua việc so sánh với các nước trong khu vực và đánh giá tác động của rào cản phi thuế quan thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và công nghệ.
Cuối cùng, đề xuất những giải pháp cải thiện chỉ số mức độ phổ biến của rào cản phi thuế quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và công nghệ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16441/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)