Nghiên cứu đánh giá xu thế diễn biến, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình và đề xuất các giải pháp ứng phó
Cập nhật vào: Thứ tư - 30/11/2022 12:42 Cỡ chữ
Đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình gồm 11 tỉnh, thành phố Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình có diện tích 14.948 km2, chiếm 4,5% diện tích của cả nước. Đây là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế của Việt Nam với thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, dân số là hơn 20 triệu người trong đó có tới 66% lao động sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chủ yếu là canh tác lúa nước. Trong vùng hiện có hơn 60 khu công nghiệp chiếm 26% về số lượng KCN của cả nước. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 730.000 ha với đất đai phù sa màu mỡ, có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động khai thác, sử dụng nước và phát triển KTXH trên lưu vực đã làm cho tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Phạm vi các khu vực khô hạn gia tăng, xâm nhập mặn lấn sâu vào vùng đồng bằng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và lượng nước cấp cho các nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Kết quả đo đạc năm 2014 cho thấy xâm nhập mặn lấn sâu vào các sông vùng hạ du đồng bằng Bắc bộ với chiều dài so với cửa sông từ 28 đến 33 km. Diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Hồng - Thái Bình có xu thế gia tăng trong tương lai làm dấy lên sự lo ngại về nguy cơ thiếu nước trầm trọng cho khu vực. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến năm 2050 mực nước biển dâng cao 0,22m sẽ làm cho toàn bộ các hệ thống thủy lợi ven biển thiếu nước ngọt (khoảng 30% diện tích canh tác của vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình). Bên cạnh đó là sự tác động đến của môi trường sinh thái, đời sống KTXH và sinh kế của hàng triệu người, mà đặc biệt là khu vực đồng bằng ven biển Bắc bộ.
Mặc dù, đã có một số nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình. Tuy nhiên các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này là chưa nhiều, còn rời rạc, chưa tìm ra đầy đủ các nguyên nhân, cơ chế gây nên hiện tượng trên cũng như chưa có được những giải pháp tổng thể mang tính bền vững và thực tiễn nhằm thích ứng và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Vì vậy để đánh giá một cách tổng hợp các nguyên nhân, cơ chế và vai trò của các yếu tố tác động đến hạn hán, xâm nhập mặn trong khu vực, cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu mang tính tổng thể từ điều kiện tự nhiên, các yếu tố khách quan trong và ngoài lãnh thổ... đến các hoạt động khai thác quá mức, không khoa học trên lưu vực, để có thể xây dựng lên một bức tranh tổng thể về hiện trạng diễn biến cũng như xu thế có thể xảy ra trong tương lai của hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình. Và đây vẫn là chủ đề nóng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết để đáp ứng các nhu cầu về nước cho các hoạt động dân sinh, kinh tế, xã hội trong vùng.
Nhằm có được cơ sở khoa học sát với thực tiễn, những luận cứ khoa học và các giải pháp KHCN cụ thể để quản lý, giám sát và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn nhằm góp phần phát triển KTXH ổn định và bền vững cho vùng đồng bằng sông Hồng – Thái Bình, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực sông biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam do PGS. TS. Hồ Việt Cường làm chủ nhiệm đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá xu thế diễn biến, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình và đề xuất các giải pháp ứng phó”.
Sau một gian triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được các kết quả sau:
1. Tổng quan, phân tích, đánh giá về các kết quả nghiên cứu đã có ở trong và ngoài nước có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài.
2. Thu thập, chỉnh lý và hệ thống hóa các tư liệu đã có. Đo đạc khảo sát bổ sung các tài liệu, số liệu cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu của đề tài.
3. Nghiên cứu đánh giá thực trạng diễn biến của các yếu tố chính và cơ chế tác động của chúng đến hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.
4. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và phân cấp độ các yếu tố tác động đến diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.
5. Nghiên cứu xây dựng các kịch bản và bộ công cụ phục vụ tính toán mô phỏng hạn, mặn cho vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.
6. Tính toán, đánh giá khả năng diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn dưới tác động của phát triển kinh tế - xã hội và trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.
7. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, quy hoạch, công trình và phi công trình nhằm ứng phó, giảm thiểu các tác động bất lợi của hạn hán và xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.
8. Xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác quản lý và kiểm soát xâm nhập mặn cho vùng hạ du lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
9. Xây dựng bộ bản đồ hạn hán và xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình theo các kịch bản ứng phó với từng khả năng diễn biến
10. Xây dựng báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt, tổ chức hội thảo và nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài
Như vậy, để tài đã đánh giá được thực trạng diễn biến của các yếu tố khí tượng, thủy văn, dòng chảy, thảm phủ... và cơ chế tác động của chúng đến hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Đánh giá được các khả năng diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn dưới tác động của phát triển kinh tế - xã hội vùng thượng lưu, biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu dùng nước ở vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Đề xuất được các giải pháp để quản lý và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17831/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)